
Yêu cầu trên được thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đưa ra ngày 15-4, một ngày sau khi Hiệu trưởng Đại học Harvard - ông Alan Garber, từ chối các yêu cầu từ chính quyền Tổng thống Trump về việc kiểm soát các cuộc biểu tình của sinh viên, thay đổi chính sách tuyển sinh và tuyển dụng, chấp nhận kiểm toán từ chính phủ.

Đáp lại, Bộ Giáo dục Mỹ thông báo tạm ngừng khoản tài trợ liên bang trị giá hơn 2 tỷ USD dành cho Đại học Harvard. Bộ Giáo dục cũng yêu cầu Đại học Harvard phải giảm bớt ảnh hưởng của các giảng viên, nhân viên và sinh viên bị cho là “thiên về hoạt động xã hội và chính trị hơn là học thuật”; mời các chuyên gia đánh giá độc lập đội ngũ giảng viên và sinh viên của từng khoa để đảm bảo có sự đa dạng về quan điểm và tư tưởng trong môi trường học thuật.

Trong một phản hồi công khai, ông Alan Garber cho biết Harvard cho rằng các yêu cầu này vi phạm quyền tự do học thuật và vượt quá thẩm quyền của chính phủ, làm ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi của Harvard với tư cách là một tổ chức giáo dục tư nhân.
Giới nghiên cứu cảnh báo việc chính quyền Mỹ cắt giảm mạnh tài trợ liên bang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chương trình nghiên cứu khoa học của Đại học Harvard, trong đó có các nghiên cứu về ung thư, Alzheimer, đột quỵ và HIV.
Cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Trump và Harvard được coi là chưa từng có trong lịch sử giáo dục đại học Mỹ. Trường đại học này đã nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức giáo dục khác như Princeton và Stanford, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do trí tuệ. Theo tờ Politico, vụ việc có thể đặt ra câu hỏi về tự do học thuật và tính độc lập của các tổ chức giáo dục.