Chính quyền mượn đất rồi không khôi phục

Bà Trần Thị Trinh, 57 tuổi, ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM có đơn gửi Báo SGGP bày tỏ bức xúc về việc cấp giấy chủ quyền căn nhà của bà.

Qua xác minh, căn nhà của bà Trinh ở sát cầu Hai Heo, cây cầu nhỏ nối liền khu dân cư hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh với chợ tạm gần cầu Phú An (đường Ngô Tất Tố). Căn nhà của bà Trinh (có diện tích khoảng 40m2, thuộc thửa đất số 8, tờ bản đồ số 30) đã được tháo dỡ và rào kín. Bà Trinh cho biết, năm 2000, bà mua căn nhà trên từ bà Lưu Thị Thảo bằng giấy tay với giá 10 lượng vàng.

Căn nhà không số được bà Trinh thực hiện tờ đăng ký nhà - đất với chính quyền địa phương vào năm 2002, với thực trạng không tranh chấp với ai. Căn nhà trên cùng nhiều căn nhà khác ở phường 22, quận Bình Thạnh nằm trong khu vực được quy hoạch là Khu đô thị thanh niên Văn Thánh theo Quyết định 3009 ngày 26-11-1992 của UBND TPHCM.

Tuy nhiên, bà Trinh cùng nhiều cư dân nơi đây vẫn đang sinh sống bình thường, nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở…

Bà Trinh cho biết: “Do căn nhà để trống, năm 2001, cán bộ UBND phường 22, quận Bình Thạnh cùng các nhân viên thi công đã gặp và vận động tôi hỗ trợ việc xây dựng lại cầu Hai Heo. Theo đó, họ đã tháo dỡ căn nhà gỗ để mượn khu đất làm nơi tập kết vật liệu xây dựng cầu. Họ cam kết khi thực hiện xong công trình sẽ dựng lại căn nhà gỗ như ban đầu, trả lại tôi.

Tuy nhiên, khi xây dựng xong cầu thì họ bỏ lại đất trống, không xây lại nhà như cam kết. Do khó khăn về kinh tế, tôi để đất trống cho đến nay. Hiện tại, tôi đã có tuổi, các con cũng đã lập gia đình, điều kiện nhà ở khá khó khăn. Tôi đã làm đơn xin cấp sổ đỏ đối với khu đất cũng như xây dựng lại căn nhà, nhưng chưa được.

Mới đây, khi tôi liên lạc với Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh thì các cán bộ cho biết khi chính quyền giải tỏa khu vực này để thực hiện dự án Khu đô thị thanh niên Văn Thánh thì căn nhà của tôi sẽ được đền bù”.

Về vấn đề này, luật gia Trịnh Phi Long, Hội Luật gia TPHCM, cho rằng: “Quy hoạch được công bố cách đây hơn 30 năm nhưng chưa thực hiện, trong khi bức xúc, khó khăn về chỗ ở của người dân là có thật và rất thực tế. Trường hợp của bà Trinh khá rõ ràng, chính quyền địa phương mượn đất thì phải trả! Mặt khác, khi chính quyền đã thừa nhận đất ở hợp pháp, không tranh chấp thì cũng cần tạo điều kiện để người dân được cấp sổ hồng, sổ đỏ để được đền bù khi Nhà nước giải tỏa nhà đất, thực hiện dự án”.

Tin cùng chuyên mục