2 công chức quản hàng trăm nhà hàng, khách sạn
18 giờ, ông Trần Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, vẫn ngồi trong phòng làm việc để duyệt, ký hồ sơ xin sửa chữa nhà, trình cấp giấy đăng ký kinh doanh. Theo ông Hà, ở xã Bình Hưng, việc lãnh đạo, cán bộ làm việc sau giờ hành chính là chuyện thường. “Có hôm, tôi phải nán lại cơ quan đến 20 giờ tối để ký nốt hồ sơ. Nếu hồ sơ hôm nay không giải quyết xong, ngày mai lượng hồ sơ tồn sẽ tăng gấp đôi do khối lượng công việc của xã rất nhiều. Như vậy sẽ trễ hẹn, dẫn đến bức xúc cho người dân”, ông Hà chia sẻ. Chủ tịch UBND xã Bình Hưng cho biết, xã hiện có 65 biên chế, trong đó có 10 cán bộ chủ chốt, 13 công chức, 42 cán bộ không chuyên trách. Đối chiếu theo Nghị định 34/2019 thì số lượng cán bộ phân bổ như trên là đủ. Tuy nhiên, xét trên thực tế, số cán bộ hiện có chỉ tương ứng 1/3 khối lượng công việc ở địa phương. Cán bộ, công chức gặp rất nhiều áp lực, khó khăn trong công việc, nhất là ở một số lĩnh vực “nóng” như đất đai - xây dựng, an ninh trật tự, văn hóa xã hội…
Đơn cử như ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, xã Bình Hưng hiện có hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, nhà hàng. Trong khi đó, công chức chuyên trách chỉ có 2 người, vừa giải quyết hồ sơ, vừa làm công tác theo dõi - kiểm tra; ngoài ra còn kiêm thêm các mảng y tế, giáo dục. Do đó, rất khó để phát hiện, xử lý hết các vi phạm. Tương tự, ở mảng an ninh trật tự, theo quy định, mỗi cảnh sát khu vực quản lý, giám sát 300 - 350 hộ dân, ở Bình Hưng có 24.049 hộ dân nhưng chỉ được phân bổ 19 cảnh sát khu vực (trung bình mỗi cảnh sát khu vực phải quản lý hơn 1.200 hộ). Ông Trần Minh Hà cho biết, để bù lại số cảnh sát khu vực bị thiếu, xã tăng cường thêm mỗi ấp 1 - 2 công an viên. Dù vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự vẫn gặp nhiều khó khăn do dân số tăng nhanh, trong khi phần lớn diện tích đất trên địa bàn là dự án “treo”, tệ nạn, tội phạm có cơ hội ẩn náu, hoạt động.
Tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, mỗi xã có hơn 120.000 dân - dân số bằng 2/3 của các quận 3, quận 5 và là xã có số dân đông nhất nước. Theo ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, dân số đông kéo theo nhu cầu nhà ở lớn, trong khi phần lớn diện tích đất ở xã hiện nay là đất nông nghiệp (chiếm 63,8%). Nhiều gia đình có đất nhưng không được xây nhà ở, là một bất cập. Hệ lụy lớn nhất hiện nay là nạn xây dựng không phép, tự ý phân lô tách thửa ngày càng diễn biến phức tạp. Thời gian qua, địa phương nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, song kết quả vẫn chưa như mong đợi. Trong số các nguyên nhân khiến xây dựng không phép, sai phép tồn tại kéo dài, có một phần nguyên nhân do lực lượng mỏng, cán bộ chuyên trách ít, khó bám sát và theo dõi kịp thời hết địa bàn. “Xã có 16 ấp, trung bình mỗi ấp rộng hơn 92ha, nhưng chỉ có 5 công chức địa chính, vừa giải quyết hồ sơ đất đai, xây dựng, vừa tham gia cưỡng chế, vừa thực tế theo dõi địa bàn. Để quán xuyến hết các nhiệm vụ, cán bộ luôn phải làm việc trong tình trạng căng mình”, ông Phong cho biết.
Cần cơ chế đặc thù
Để giảm tải áp lực trong công tác quản lý nhà nước cho huyện Bình Chánh, nhất là ở chính quyền cấp xã, ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, kiến nghị thành phố cần có cơ chế đặc thù cho những xã “nóng” (diện tích rộng, dân số đông, phức tạp về trật tự xây dựng…). Chẳng hạn như bố trí 3 phó chủ tịch, thay vì 2 phó chủ tịch như hiện nay. Lý giải điều này, ông Nhã cho hay, UBND xã Vĩnh Lộc A có 3 lãnh đạo (chủ tịch và 2 phó chủ tịch). Trong đó, hàng ngày phải bố trí cứng một lãnh đạo chỉ làm nhiệm vụ ký chứng thực, sao y. Ở phần việc này, có thời điểm một lãnh đạo ký không kịp, lãnh đạo khác phải hỗ trợ. 2 lãnh đạo còn lại, 1 người tham gia các cuộc họp ở huyện, người còn lại nghiên cứu giải quyết các hồ sơ trong lĩnh vực. Như vậy thời gian đi thực tế cơ sở, theo dõi địa bàn rất ít.
Theo Phòng Nội vụ huyện Bình Chánh, phần lớn khối lượng công việc ở các xã đều tập trung ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường. Những vụ việc, hồ sơ phát sinh ở các lĩnh vực này đều xuất phát từ những bất cập trong công tác quy hoạch. Chẳng hạn như tranh chấp mua bán đất bằng giấy tay, xin phép sửa chữa nhà, xin số nhà tạm, thiếu nước sạch, cơ sở thay đổi giấy phép kinh doanh… Do đó, để giảm tải cho bộ máy chính quyền cơ sở, giải pháp cần thiết hơn hết là thành phố cần có điều chỉnh trong quy hoạch, nâng diện tích đất ở, đồng thời xóa bỏ các dự án “treo” quá lâu. Bộ máy chính quyền cơ sở ở Bình Chánh đang mặc “chiếc áo cũ” quá chật, cần thiết có “chiếc áo mới” phù hợp hơn với thực tế.
Theo UBND huyện Bình Chánh, việc bộ máy chính quyền ở Bình Chánh bị quá tải khiến tình trạng trễ hẹn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân còn phổ biến. Đã vậy, tình trạng “mất cán bộ” ngày càng nhiều. Hơn 2 năm gần đây, ở huyện Bình Chánh có 4 phó chủ tịch UBND xã xin nghỉ việc, hoặc chuyển công tác; hàng chục cán bộ bị kỷ luật. Nguyên nhân khiến cán bộ, lãnh đạo xã xin nghỉ việc là do áp lực trong công việc, một số ít do không thể quán xuyến hết công việc, bị kỷ luật nên nản và xin nghỉ. |