Doanh nghiệp khát vốn
Ngay sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, linh hoạt phòng chống dịch Covid-19, nhiều quận huyện đã tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, hội nghị nối kết DN với ngân hàng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN.
Huyện Hóc Môn là một điển hình, với cách làm sinh động, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm gắn liền với nối kết DN. Tại các hội nghị, doanh nhân không chỉ giãi bày những khó khăn, vướng mắc về chính sách, vốn… mà còn ký hợp tác làm ăn, bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Vườn lan Ngọc Điểm Sài Gòn (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) nêu khó khăn: “Lan Ngọc Điểm mỗi năm chỉ ra hoa một lần, chủ yếu phục vụ người dân dịp tết. Hàng năm, vào tháng 10, 11, thương lái tập trung đến vườn chở hoa đi tiêu thụ. Nhưng 2 năm nay, hàng chục ngàn cây lan không tiêu thụ được, trong khi tiền đầu tư mua phân bón, công chăm sóc… vẫn phải chi đều đều. Để duy trì vườn lan, DN rất cần được hỗ trợ vốn”.
Cũng đang “khát” vốn, ông Bùi Cao Sinh, Công ty Đầu tư sản xuất Lê Trần (huyện Nhà Bè) cho biết, hầu hết các DN tại huyện bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch thứ 4. DN rất cần sự tiếp sức của ngân hàng để tái khởi động, khôi phục sản xuất.
Các DN ở nhiều lĩnh vực khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo bà Nguyễn Thị Phước, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Lan Phương (quận Phú Nhuận), công ty phải dừng hoạt động trong nhiều tháng liền vì giãn cách xã hội. Dù vậy, công ty vẫn phải đóng thuế, trả lãi vay ngân hàng, lương cho người lao động, nên gặp nhiều khó khăn. Điều DN mong muốn là ngân hàng giãn nợ, không đưa vào diện nợ xấu, tái cơ cấu lại các khoản vay và tiếp tục cho DN vay mới với lãi suất hợp lý để DN tái hoạt động, người lao động được làm việc trở lại.
Những nút thắt dần tháo gỡ
Từ sự chủ động vào cuộc của các địa phương, nhiều vướng mắc cụ thể của DN đã được tháo gỡ. Đặc biệt, các địa phương đã thể hiện vai trò “bà mối” giữa ngân hàng với DN, từ đó hàng loạt hợp đồng tín dụng với lãi suất ưu đãi được ký kết. Nguồn vốn đã đến kịp thời để DN hoạt động trở lại, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước gỡ dần khó khăn.
Từ sự kết nối của huyện Hóc Môn, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Hóc Môn Lê Trung Hậu cho biết, ngân hàng đã có chương trình giảm lãi suất 10% để trợ giúp DN, người dân khôi phục sản xuất sau đại dịch; cơ cấu lại nợ cũ, cho vay bù đắp tiếp.
Tương tự, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bình Thạnh (BIDV Bình Thạnh) Nguyễn Văn Thân cũng nhận xét, dịch đi qua, nhu cầu vốn cho phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh rất lớn. Do đó, ngân hàng chủ động đưa vốn đến với DN, người tiêu dùng thông qua các gói chính sách giảm lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ…
Là đơn vị tổ chức kết nối DN với ngân hàng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết, cuối tháng 11-2021, huyện đã kết nối thành công giữa ngân hàng với 37 DN ở huyện. Nhiều hợp đồng tín dụng được ký kết qua “mai mối” giúp đưa 427 tỷ đồng vốn đến với DN. Nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn ngân hàng, đến nay đã có hơn 50% hộ cá thể và 70%-75% các DN ngoài khu công nghiệp ở huyện hoạt động trở lại.
Tương tự, hiện quận Phú Nhuận đã có hơn 90% DN và gần 90% hộ kinh doanh hoạt động lại. Số lượng ấy có nguyên do quan trọng đến từ việc UBND quận làm “bà mai” kết nối 835 DN với các ngân hàng thương mại, thực hiện vay vốn gần 9.000 tỷ đồng.
Chia sẻ về việc làm “bà mối”, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên khẳng định, địa phương luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN khôi phục sản xuất, hoạt động trở lại. Cụ thể, huyện làm cầu nối, đề nghị các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ, tiếp tục hỗ trợ cho vay mới để DN, người dân sớm khôi phục sản xuất.