
Phát biểu trước Quốc hội cuối phiên thảo luận sáng 14-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, từ chủ trương lớn của Đảng, bằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Quốc hội sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Và đó là dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam.
"Đây là cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới để đất nước đủ điều kiện vững bước vào kỷ nguyên mới với những đột phá đáng ghi nhận như chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị, kiến tạo và phục vụ; từ phân công hành chính sang phân cấp, phân quyền, trao quyền rõ ràng, thực chất; từ bộ máy hành chính địa phương cồng kềnh, nhiều tầng nấc thành hệ thống hành chính địa phương tinh gọn, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự luật tập trung vào 4 yếu tố cơ bản.
Một là xác lập chỉnh thể cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương 2 cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp đang sửa đổi, nền tảng thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 60 của Trung ương, theo các kết luận 126, 127, 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số chủ trương lớn của Đảng trong tổng thể cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Hai là kế thừa, bổ sung, phân định rành mạch thẩm quyền về phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đây cũng là nội dung cốt lõi với mục tiêu làm sao phân cấp, phân quyền, ủy quyền rõ giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau, làm cơ sở pháp lý để toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu: "Đây là những yếu tố mang tính nguyên tắc để các luật chuyên ngành căn cứ vào đây để sửa đổi, bổ sung, đồng thời thúc đẩy sự chủ động, năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần quán triệt”.
Ba là minh định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong tình hình mới và giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thứ tư, theo Bộ trưởng, là thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ tất cả khó khăn, rào cản, vướng mắc khi chuyển đổi chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp, nhưng gắn với việc thực hiện ngay yêu cầu phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, để địa phương thực hiện.
Đề cập đến nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền và ủy quyền được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến, người đứng đầu Bộ Nội vụ giải thích thêm, nội dung này cơ bản được kế thừa trong luật vừa ban hành hồi tháng 2-2025, nhưng hoàn thiện thêm về kỹ thuật lập pháp để đảm bảo tính chính trị, tính pháp lý, yêu cầu quản trị, dẫn dắt các luật chuyên ngành kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát thận trọng, kỹ lưỡng, dự liệu những vấn đề phát sinh để thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt, năng động cho chính quyền địa phương, đảm bảo trong trường hợp cần thiết, UBND hoặc chủ tịch UBND tỉnh kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, để điều hành thông suốt, không bị đình trệ, gián đoạn.

Trả lời ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) và một số ĐB khác về quy định trong "trường hợp cần thiết", UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, UBND, chủ tịch UBND cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, trường hợp cần thiết là khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ nào đó; khi phát sinh vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm vượt quá khả năng giải quyết của cấp dưới; khi các nhiệm vụ đột xuất, bất thường cần phản ứng nhanh và kịp thời; khi chủ tịch UBND tỉnh xác định có dấu hiệu trì trệ, né tránh; hay các tình huống cần điều phối, điều hòa liên vùng…
"Thực tiễn rất đa dạng, phong phú, nếu không có cơ chế này, thực sự không đảm bảo được yêu cầu vận hành trơn tru, liên thông, thống nhất, hiệu quả", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh. Bà cũng cho biết thêm, Luật Tổ chức Chính phủ cũng có một điều khoản giao Thủ tướng xử lý tình huống trong trường hợp cần thiết.
Ngay sau khi dự luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ phải ban hành 25 nghị định để triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm kịp thời phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức mới.