Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH đề cập trong thảo luận từ sáng đến giờ.
ĐB Trịnh Xuân An cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn rất khó khăn, vất vả của đất nước. Báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri mà MTTQ báo cáo trước Quốc hội có 11 cụm từ “cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng”. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra nhận định “nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn”.
ĐB cho rằng, về vĩ mô, GDP quý 1-2023 là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm, cần phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao thì mới đạt được mục tiêu (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). Cần phải tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động, kịp thời. Cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QUANG PHÚC |
Đặc biệt, phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống DN. Bởi hệ thống DN là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển nhưng hiện nay, hệ thống DN đang ở giai đoạn thực sự khó khăn. Bốn nút thắt mà DN đang gặp phải đó là: thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện DN đang khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay về thủ tục. Chính phủ đã phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn cao), tuy nhiên ĐB Trịnh Xuân An cho rằng, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh.
Do đó, việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với DN.
Các đại biểu dự họp chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “DN phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự DN”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với DN để gỡ khó.
ĐB chỉ rõ, những việc gì cần làm để hệ thống DN phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì DN “đã gần đất xa trời”.
Đối với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào.
Các đại biểu dự họp chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó DN để tránh tình trạng DN phải lao đao giải trình lên xuống. Với tinh thần đó, các biện pháp gỡ khó cho DN cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa, chủ trương xử lý đó là “nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”.
ĐB cũng đề nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Việc vừa qua người dân, DN phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm xe ô tô, loay hoay với các quy định về phòng cháy chữa cháy, xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành chưa cao, chưa quyết liệt.
“Trong quản lý, có những lúc cơ quan nhà nước phải tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và DN mong đợi”, ĐB phát biểu.