Chính quy hóa hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đại biểu Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Chiều 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam.

Chính quy hóa hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đại biểu Quốc hội ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đổi tên Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội thành Quy chế về nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội. Ông cũng cho rằng, chỉ kiến thức và kỹ năng là không đủ, mà yếu tố quan trọng là kinh nghiệm. Chính vì thế, cần tập trung bồi dưỡng chuyên sâu về những kiến thức mới liên quan đến đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; những kỹ năng thích ứng, giải quyết tình huống, xử lý vấn đề, tập trung hướng đến bàn về giải pháp, tìm phương hướng giải quyết. Đồng thời, cần có cách thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đại biểu, từng loại hình nội dung cụ thể.

Chính quy hóa hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đại biểu Quốc hội ảnh 2 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý nên tập trung đầu tư cho từng lĩnh vực có một cuốn sổ tay giám sát để giúp cho không chỉ các đại biểu Quốc hội, mà cả đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Chính quy hóa hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đại biểu Quốc hội ảnh 3 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Nhận xét rằng trình độ của các đại biểu Quốc hội là khác nhau, chuyên ngành khác nhau, các đại biểu tham gia lần đầu cũng có khác biệt với đại biểu tái cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thiết kế chương trình phù hợp với từng nhóm đối tượng như nội dung chuyên đề về nhà nước và pháp luật, chuyên đề sâu về Quốc hội, quy trình ngân sách, vấn đề đầu tư công… Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vai trò của báo cáo viên, việc lựa chọn báo cáo viên trong đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp đào tạo và việc tổ chức quản lý hoạt động này.

“Thà làm ít mà tốt, chính quy hoá hoạt động bồi dưỡng đào tạo, có bộ tài liệu chính thống, cùng với đó là kỷ luật, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chính quy hóa hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đại biểu Quốc hội ảnh 4 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục