Năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD. Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng tính từ đầu năm 2022 đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 10,68 tỷ USD. 700 tỷ USD là một cột mốc mới về tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 15-12. Tổng cục Hải quan cho biết, trong 20 năm qua xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã liên tiếp đạt các mốc kỷ lục.
Mặc dù đạt con số ấn tượng nhưng Bộ Công thương vẫn nhìn nhận, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ 2 thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó, nhất là việc thị trường bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường. Mặt khác, hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Á…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Chính phủ cũng đã chỉ ra nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi; một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp; hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng bị thu hẹp.
Trong bản bổ sung định kỳ của báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2022 vừa được công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho rằng, tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.
Do đó, yêu cầu đặt ra là các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biễn tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Bộ Công thương cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Chủ động, tích cực có các giải pháp ứng phó với các biện pháp, hàng rào kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết triệt để các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Bộ NN-PTNT cần làm nhanh việc quy hoạch, phát triển vùng trồng, vùng nuôi các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Đề án tăng cường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh… Làm đồng bộ các giải pháp đó để chúng ta tiếp tục mở rộng xuất khẩu hàng hóa, tiếp tục chinh phục những con số xuất khẩu hàng trăm tỷ USD ấn tượng.