Đồng Tháp Mười (ĐTM) có diện tích tự nhiên 696.000ha, chiếm gần 18% diện tích tự nhiên của ĐBSCL, nằm trong khuôn vi 15 huyện, thị trấn, 1 thị xã thuộc 3 tỉnh: Long An (299.000ha), Đồng Tháp (239.000ha) và Tiền Giang (92.000ha). Tháp Mười xưa là một cánh đồng hoang đặc quánh phèn, mùa khô chỉ có cỏ và gió, mùa mưa là một biển nước mênh mông. Công cuộc chinh phục ĐTM bắt đầu từ cuối năm 1979, đầu năm 1980, đến nay vừa tròn 35 năm, giờ là một “cánh đồng lớn” với 3 vụ lúa, màu, tôm cá mỗi năm và những xã, ấp trù phú, điệp trùng…
Nông dân Đồng Tháp Mười trồng dưa hấu xen canh lúa
Đất ấm tình người
Suốt mấy ngày rong ruổi trong cái nắng gay gắt giữa mùa khô năm 2015 ở ĐTM, chúng tôi không phân biệt được những xã, ấp trù phú nơi này với những miền quê giàu đẹp khác của ĐBSCL. Vùng này trước đây là đất hoang ư? Thật không tưởng tượng được! Dọc tuyến kênh 500 (2), nơi được coi là cái “rốn” của ĐTM, nhà tường nhiều không đếm xuể...
Nhà ông Nguyễn Văn Cung, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cũng nằm trong số đó. Đó là một ngôi nhà tường cất theo lối quê rất rộng. Ông làm Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười 2 nhiệm kỳ (1985 - 1995), đúng vào thời điểm ĐTM khai phá đất hoang. Ông Cung năm nay 78 tuổi, về hưu đã 18 năm, bây giờ sức khỏe kém vì phải chạy thận mấy năm nay nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về ĐTM thì ông mừng ra mặt. Những ký ức xưa cũ giờ mới có dịp ùa về trong giọng nói sôi nổi của một người từng sống chết và chịu nhiều gian khổ như ông trên mảnh đất này. Trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây là căn cứ địa của Khu 8. Địch ruồng bố, chà đi xát lại nhiều lần, bom đạn vãi như tro trấu nhưng ta vẫn bám trụ, tấn công, từng bước đẩy lùi, truy kích giặc. Đã có biết bao xương máu đổ trên cánh đồng lúa xanh rì sau hè nhà ông Cung. Sau năm 1975, những người ở nhiều vùng quê, từng tham gia chiến đấu nơi này và còn sống như vợ chồng ông Cung đều trụ lại. Họ dìu dắt con cái, bà con thân thuộc về đây dưới sự chỉ đạo của ông Cung cùng khai phá đất hoang, đào kênh chống úng, xổ phèn… để làm ruộng. Gian khổ trăm bề nhưng mấy năm đầu, đất ở đây chỉ làm được một vụ lúa mùa, năng suất thấp. Nhưng nhờ diện tích lớn (trung bình mỗi hộ 5 - 10ha) nên nhà nhà đều đủ sống. Còn bây giờ làm lúa 3 vụ, lại xen trồng sen, rau màu nên chuyện làm ăn khá giả không có gì lạ.
Ấp Kinh Cũ, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An là vùng đất giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Xa như vậy nhưng đường sá đến đây đều trải nhựa, xe du lịch và các loại xe 2 bánh thả sức mà chạy. Không như ở huyện Tháp Mười đã sạ lúa xuân hè từ trước Tết Ất Mùi, bà con các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng vẫn đang thu hoạch lúa đông xuân. Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thành, năm nay trên 60 tuổi, một nông dân “chính hiệu” và giàu có tiếng ở vùng này. Nhà ông to rộng, lót gạch bông bóng loáng với đầy đủ tiện nghi. Quanh nhà là 6 chiếc máy cày, 5 máy gặt đập liên hợp, gần chục máy bơm nước và một lò sấy lúa công suất 10 tấn/ngày. Ông Thành quê gốc huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Năm 1976, vợ chồng ông đã có mặt ở xứ này để lập nghiệp. Đồng hoang chỉ có cỏ dại, rắn rít, muỗi mòng và đỉa còn người thì quá thưa thớt. Vợ chồng ông lấy thước dây đo dọc bờ kênh 100m và kéo dài 1km rồi cặm cụi làm sạch cỏ và sạ lúa. Nhưng lúa không sống nổi vì ruộng nổi váng phèn. Vợ chồng ông lại phải tần tảo đào kênh dẫn nước sổ phèn. Cực khổ mấy mùa thì lúa cũng sống được nhưng không xanh tốt như bây giờ, năng suất chỉ đạt 2 tấn/ha. Nghèo khó, cực nhọc, kiếm miếng ăn quá khó, nhiều người không trụ lại được, phải bỏ đi. Vợ chồng ông về quê thì không có cục đất chọi chim nhưng lại tiếc công, nên ở lại, quyết chí làm ăn. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lý thú về những sáng tạo trong việc “ém phèn”, đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn mà các nhà khoa học (có công trong việc nghiên cứu, hướng dẫn thực tiễn cho nông dân ĐTM tháo chua, rửa phèn) cũng phải nể phục. Đó là đất đai được cày lên, phơi ải một thời gian rồi dẫn nước vào, phèn lắng xuống lớp đất phía dưới nên bề mặt cây lúa vẫn sống ngon lành và phát triển tốt… Đất đã không phụ lòng người để đến giờ, sau gần 40 năm, gia đình ông Thành có một cơ ngơi giá trị không dưới 40 tỷ đồng.
Biến cái không thể thành có thể
Hồi còn nhỏ, đi học, tôi chỉ biết ĐTM qua sách vở. Đó là hoa sen, lúa trời và tôm cá. Khi vào bộ đội, hành quân vượt Trường Sơn, đến biên giới Campuchia, băng qua ĐTM vào những đêm tháng 3-1972, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng: Đất ở đây chỉ có gió lùa qua rừng cỏ và trên đầu là một bầu trời đầy sao. Đó đây, trong từng thước đất của ĐTM, chi chít những hố bom, hố pháo… Giải phóng rồi, cả nước khó khăn đủ điều. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng nghĩ ngay đến việc khai phá ĐTM để có thêm lương thực phục vụ dân sinh. Những chuyên gia nước ngoài đã được mời tới… Tiến sĩ Melfow, chuyên gia về đất phèn của Hà Lan sau khi nghiên cứu kỹ ĐTM nói: “Muốn xử lý 1ha đất phèn ở đây phải tốn cả triệu đô”. Hai giáo sư địa chất Liên Xô vào Nông trường Láng Biển (Đồng Tháp) nghiên cứu mấy tháng trời, cuối cùng khẳng định: “ĐTM không thể trồng lúa được!”.
Cuối năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) họp lãnh đạo 3 tỉnh (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) bàn về việc khai phá ĐTM. Có nhiều ý kiến khác nhau, có cả những ý kiến bàn ra, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt có kết luận cuối cùng: “Chúng ta phải làm! Nếu không thành công thì chỉ mất một phần của 3 tỉnh; còn thành công thì có lợi cho đất nước”.
Cuộc chinh phục ĐTM chính thức được “khai hỏa” từ đây. Hàng vạn lượt dân công, kể cả bộ đội, công an, thanh niên xung phong cuốc xẻng trong tay, khăn gói, lều bạt hành quân, xông thẳng vào “mặt trận mới” ĐTM, đắp đường, đào kênh, khí thế ngất trời. Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Công Bình - Sáu Bình, trực tiếp chỉ đạo trên công trường. Ông Đặng Văn Hòa bồi hồi: “Anh chị em tham gia đào kênh hồi đó toàn bằng thủ công. Vất vả thế nhưng ăn uống lại thiếu thốn, nhiều bữa cơm chỉ có muối và nước mắm kho quẹt”. Bây giờ nơi đây đã trở thành vùng sản xuất lúa 3 vụ với 53.000ha, vùng trồng khóm phục vụ chế biến hơn 12.000ha.
Nhưng mấy năm đầu đào kênh cũng chẳng dễ dàng gì. Phần lớn các tuyến kênh trục chưa hoàn thành nên không thể dẫn nước ngọt về. Ông Nguyễn Văn Lương (Hai Lương), Phó ban nghiên cứu khai thác ĐTM tỉnh Đồng Tháp, kể lại: Khi đào kênh, nước phèn vàng sẫm trải dài trên bờ; còn dưới kênh, phèn đọng lại đặc quánh. Cứ mỗi đầu mùa mưa, phèn dồn về một số kênh trung tâm; có nơi kéo dài hàng chục cây số làm cá chết hàng loạt. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta làm thủy lợi hay thủy hại? Khi tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km (hay con gọi là kênh Trung ương) hoàn thành vào năm 1984, dẫn nước ngọt từ sông Tiền tràn về mọi ngõ ngách của ĐTM thì dân tứ xứ ùn ùn kéo về lập nghiệp, tạo nên một vùng “đất ấm” trù phú như bây giờ.
Ông Lê Thanh Dương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Láng Biển, huyện Tháp Mười quê ở tận ngoài Bắc. Năm 1983, sau khi học xong lớp trung cấp cơ khí, ông vào công tác ở Nông trường Láng Biển, cách thị trấn Mỹ An bây giờ khoảng 7 - 8km. Ông kể: Hồi đó ở đây không có đường bộ. Khi đi họp huyện, tỉnh, cán bộ thường phải đi đò. Nhiều hôm họp quá giờ, trễ đò, phải lội bộ từ Cao Lãnh men theo các bờ kênh gần 30km mới về tới nông trường. Bây giờ đường nhựa ngon lành. Nông trường Láng Biển mấy năm liền sản xuất, kinh doanh không hiệu quả nên đã giải tán. Đất đai khoán lại cho dân và những cán bộ, công nhân viên nông trường ở lại chọn nơi này làm quê hương. Những người ấy bây giờ đều có cuộc sống khá giả nhờ sạ lúa 3 vụ; làm thêm sen, màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Hướng đến tương lai
“Đất phèn ĐTM được xả rửa bằng chính những giọt mồ hôi, nước mắt, có khi cả bằng máu của biết bao người. Vì thế, những ai đang sống và làm ăn trên mảnh đất này đều phải xem đó là vinh dự và phải làm tốt hơn thế hệ cha anh trước đây”. Đó là lời phát biểu của ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An tại lễ tổng kết 30 năm khai phá ĐTM vào cuối năm 2010. Có nhà báo hỏi ông về phác họa bức tranh toàn cảnh về ĐTM trong 10 - 20 năm tới, ông Xuân khẳng định: “Thu nhập bình quân đến năm 2015 sẽ đạt 50 triệu đồng/người/năm. ĐTM sẽ có những đô thị sầm uất xen giữa những cánh đồng lúa rập rờn, cò bay mỏi cánh; mọi con đường đến xã, ấp đều trải nhựa; nhà máy, xí nghiệp ngày càng nhiều trong các vùng lúa, tràm, sen, cây ăn trái”. Những dự báo của ông Dương Quốc Xuân (bây giờ là Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ) đến năm 2015 cơ bản đã được thực hiện. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng năm 2015 là “năm của những quyết sách”. Đồng Tháp vừa tổng kết 5 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quan trọng về nguồn nhân lực, nông thôn mới và phát triển hạ tầng, giao thông. Công cuộc phát triển vừa qua và sắp tới đều ưu tiên cho khu vực ĐTM.
Từ một vùng đất hoang, có năm phải nhờ trung ương chi viện 8.000 tấn lương thực, giờ đây ĐTM đã sản xuất ra khoảng 5 - 6 triệu tấn lúa và các loại lương thực khác mỗi năm. Thành tích ấy thuộc về nhân dân. “Không tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin và biết tự hào”, đó là lời tâm huyết xuất phát tự đáy lòng ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp bây giờ.
LÊ BÌNH