Ngày 18-8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng về nhiều vấn đề nổi cộm.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu xem xét thông tin phản ánh kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần thứ hai và tình hình nhập khẩu thép.
Cụ thể, Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử ngày 9-8-2017 phản ánh, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần thứ hai vào thị trường thế giới để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đi vào giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia, có những sản phẩm khác biệt, có chất lượng.
Ngoài ra, trên Báo Thanh Niên phản ánh, dù đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng nhập khẩu sắt thép trong 7 tháng năm 2017 lên đến 5,23 tỷ USD khiến sản xuất thép trong nước trở nên khó khăn. Thép ồ ạt nhập khẩu đều là các sản phẩm trong nước dư thừa, đặc biệt do lách thuế nên giá các sản phẩm thép này rất rẻ, thép nội khó có thể cạnh tranh. Thủ tướng giao Bộ Công thương xem xét, có giải pháp xử lý kịp thời theo quy định các vấn đề mà Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Thanh Niên nêu.
Cũng trong ngày 18-8, Thủ tướng đã ký Quyết định 37/2017/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 7-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5-10-2017. Theo Chính phủ, các quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đến nay đã hết hiệu lực.
Ngày 18-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng có ý kiến về vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả nghiêm trọng tại tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an khẩn trương tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra ngày 30-7-2017 trên tuyến sông Sài Gòn thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM và xã An Sơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (trong đó, xem xét cả trách nhiệm đối với chủ phương tiện đã giao cho người không có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái điều khiển sà lan gây tai nạn nghiêm trọng) và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, sáng 30-7, trên sông Sài Gòn đoạn qua xã An Sơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, xà lan mang số hiệu SG7552 chở đầy cát đã va chạm với tàu 30 tấn chở cát. Sự cố khiến tàu chìm xuống sông làm 2 người tử vong.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có ý kiến về xử lý sau thanh tra khiếu nại và tố cáo của một số công dân TP Hà Nội liên quan đến việc thu hồi đất.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý kết luận của Thanh tra Chính phủ và các bộ liên quan về nội dung khiếu nại, tố cáo của một số công dân tổ 6 phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội liên quan đến việc thu hồi đất tại phường Mễ Trì để giao cho Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Đầu tư Phú Hòa thuê xây dựng Khu dịch vụ, đào tạo nhân sự cao cấp và văn phòng làm việc.
UBND phường Mễ Trì xác nhận nguồn gốc đất do UBND phường quản lý, sử dụng là không đúng thực tế sử dụng đất; việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND TP Hà Nội chấp thuận địa điểm, phê duyệt dự án đầu tư trái với quy hoạch đã được Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân để giao cho Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Đầu tư Phú Hòa thuê là không đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghiêm túc và khẩn trương thực hiện hủy bỏ quyết định thu hồi đất và bồi thường thiệt hại cho các hộ dân do quyết định thu hồi đất gây ra theo đúng quy định. Đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm trong việc xác nhận nguồn gốc đất, chấp thuận địa điểm, phê duyệt dự án đầu tư, thu hồi đất sai quy định và có hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc UBND phường Mễ Trì nhận 300 triệu đồng của Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Đầu tư Phú Hòa hỗ trợ sau cưỡng chế thu hồi đất, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.