Sáng 22-7, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, trong nước, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức rất thành công như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kiện toàn nhân sự nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Đề cập đến công cuộc phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch. Chính phủ trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid -19.
Báo cáo nêu rõ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực khác đều cơ bản bảo đảm được sự ổn định.
Chính phủ thắng thắn nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn.
Đất nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu cần được nhanh chóng khắc phục. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào... tăng cao.
Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội. An ninh quốc phòng, nhất là trên biển còn tiềm ẩn yếu tố khó lường; trật tự an toàn xã hội có thể diễn biến phức tạp hơn do thiếu công ăn việc làm dưới tác động của đại dịch Covi-19…
Về nhiệm vụ thời gian tới, với dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong nước, dù kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng nhưng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Chính phủ nêu rõ các trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Thứ nhất là phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong. Thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên.
Thứ hai, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và độ bao phủ tiêm chủng.
Thứ 3, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển. Tiếp tục cơ cấu lại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Thúc đẩy tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt đô thị...
Thứ 4, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu. Xây dựng các kịch bản, thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp” bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Các trọng tâm còn lại là tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu: đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội…