Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4- Vùng thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
Chính phủ nêu rõ, các dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TPHCM có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021- 2025 là hợp lý và cần thiết.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).
Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: TPHCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).
Giải phóng mặt bằng các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Giai đoạn 1 đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h có các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc và các nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng có nhu cầu vận tải cao, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả; đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội có hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP được chia thành 7 dự án thành phần. Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có hình thức đầu tư công được chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Dự án sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách Trung ương 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng (bao gồm TPHCM 24.011 tỷ đồng; Đồng Nai 1.934 tỷ đồng; Bình Dương 9.640 tỷ đồng; Long An 1.052 tỷ đồng).
Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.
Thẩm tra 2 dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án.
Một số ý kiến cho rằng đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường 17m và 19,75m là chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ô tô cao tốc, đồng thời việc đầu tư theo quy mô này sẽ không có làn dừng xe khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng xe khẩn cấp, khó bảo đảm an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn...
Bên cạnh đó, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của 2 dự án.
UBKT đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác phương án thiết kế của 2 dự án nhằm xác định phương án tối ưu.
Việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
UBKT đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai. Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
UBKT tán thành cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư...; cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án... Tuy nhiên, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023.
Đối với dự án Vành đai 3 TPHCM, UBKT nhất trí dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn ngân sách Trung ương và địa phương đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách.