Dự án đầu tư khoảng 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng (ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này cho rằng, UBKT nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về phạm vi đầu tư và hướng tuyến của dự án, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 140km, tuy nhiên dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8km. Do đó, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn việc đề xuất đầu tư thay đổi điểm đầu, điểm cuối, giảm chiều dài của dự án so với quy hoạch.
UBKT cơ bản nhất trí với quy mô đầu tư của dự án, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2km của dự án theo quy mô 4 làn xe để bảo đảm kết nối đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai đầu tư.
Về phương thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành, Ủy ban đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án trong năm 2026, kể cả vốn địa phương và vốn nhà đầu tư.
Cụ thể, vốn địa phương khoảng 2.233,5 tỷ đồng, nhưng theo Ủy ban, hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hàng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy việc cam kết bố trí vốn địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn, phải có giải pháp cụ thể hơn.
Về vốn do nhà đầu tư thu xếp, khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, Ủy ban đề nghị tính toán rõ, cần tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.