Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được bố cục thành 14 điều; trong đó quy định cụ thể về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, đề xuất, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TPHCM… và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường từ ngày 1-7-2021. Khi đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước, làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Vừa qua, ngày 29-9, Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp đã thống nhất các nội dung dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Đa số các bộ, ngành như quân đội, công an, tư pháp, ngoại giao, kế hoạch - đầu tư… đều nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Trước đó, ngày 25-9, Bộ Nội vụ cũng đã chủ trì hội nghị thẩm định đề án, trong đó 100% đại biểu đồng ý thông qua.
Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được TPHCM ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện. Trên cơ sở các quy định hiện hành, đồng thời để thúc đẩy sự phát triển của TPHCM trong giai đoạn mới, TPHCM đã triển khai xây dựng 2 đề án: Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM (tên cũ là Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM) và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập thành phố Thủ Đức).
Về Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường (2009-2016), là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước.
Và thực tiễn cho thấy, khi thực hiện thí điểm, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo, trong đó điểm nhấn là đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.
Đặc biệt, qua quá trình theo dõi, TPHCM nhận thấy khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thành phố.
Từ kết quả của quá trình thực hiện thí điểm, có thể sơ bộ đúc kết ra một vấn đề, đó là hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.
Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM.
Còn Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập thành phố Thủ Đức) là nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng, qua đó góp phần phát huy hơn nữa nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế - xã hội tại từng cấp huyện, cấp xã. Trong đó, đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa. Đây còn là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Dự kiến, sau khi thành lập thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
Dự kiến, Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt lớn nhất nước.