Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã diễn ra sáng 8-8, dưới dự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, thua lỗ đời sống nhân dân gặp khó khăn,… Không ít DN phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.
Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng DN bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Thủ tướng cũng chia sẻ với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ đặc biệt là hàng không, du lịch... Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các DN trong thời gian vừa qua.
Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các DN về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các DN vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững và phục hồi hoạt động xuất kinh doanh của DN, nỗ lực cao nhất không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, cần dự báo tình hình khi thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine và kiểm soát được dịch bệnh thì kịch bản chính sách, hoạt động kinh doanh trong thời gian tới sẽ ra sao để tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư và tránh lỡ nhịp so với các nước.
Thủ tướng bày tỏ đánh giá rất cao và cảm ơn các DN dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng chung tay, góp sức, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ngay sau khi Quỹ Vaccine được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, DN, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của Quỹ để mua vaccine và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vaccine, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp DN theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. “Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ DN lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.