Chính phủ sẽ có phương án xử lý các dự án ngàn tỷ đắp chiếu

Sáng nay, 15-11, các thành viên Chính phủ khóa mới bắt đầu trả lời chất vấn tại Quốc hội. Thủ tướng và 4 bộ trưởng: Công thương, Tài nguyên Môi trường, Giáo dục- Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trong các phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày.
Chính phủ sẽ có phương án xử lý các dự án ngàn tỷ đắp chiếu

(SGGPO). – Sáng nay, 15-11, các thành viên Chính phủ khóa mới bắt đầu trả lời chất vấn tại Quốc hội. Thủ tướng và 4 bộ trưởng: Công thương, Tài nguyên Môi trường, Giáo dục- Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trong các phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày.

Bộ trưởng  Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đăng đàn đầu tiên. Có 22 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng.

Trước khi trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho biết, việc đảm nhận chức vụ mới 7 tháng, Bộ Công thương lại đa ngành, đa lĩnh vực nên dù đã có quá trình công tác nhưng chắc chắn sẽ có những hạn chế trong trả lời chất vấn. Nhưng dù là trước, trong hay sau chất vấn, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn đầu tiên

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) là ĐB đầu tiên chất vấn Bộ trưởng. ĐB cho rằng, báo cáo nguyên nhân của những siêu dự án kém hiệu quả, thua lỗ, có nguy cơ phá sản mà Bộ Công thương quản lý, Bộ trưởng đã nói không loại trừ việc cố ý sai phạm trong quản trị của doanh nghiệp cũng như trong quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy đâu là sai phạm của doanh nghiệp, đâu là sai phạm của cơ quan quản lý Nhà nước?. Bộ trưởng kiến nghị gì để quản lý các dự án lớn, khắc phục tình trạng “coi voi chui lọt lỗ kim” như vừa qua xảy ra ở Bộ Công thương?

Trả lời chất vấn,  Bộ trưởng cho biết 5 dự án thua lỗ, tồn đọng, còn nhiều vướng mắc Bộ Công thương đã thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội.

“Nhưng tôi cũng hiểu nhân dân đòi hỏi cần làm rõ hơn, những bài học, kinh nghiệm thua lỗ để tránh các dự án tương tự”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Theo ông, 5 dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ các năm 2003-2008, trong nhiều lĩnh vực. Trong từng dự án có những diễn biến khác nhau, kéo dài qua nhiều thời kỳ, có nhiều nguyên nhân nên khó để đánh giá tổng thể. Nhưng sợ bộ có thể thấy, các dự án này để kéo dài thời gian, ví dụ 2 dự án xơ sợi Đình vũ, đạm Ninh Bình... Trong đó, đạm Ninh Bình không những bị kéo dài đầu tư mà còn không quyết toán được đầu tư dù dự án đã đi vào vận hành. 

Trong khi các dự án bị kéo dài thời gian đầu tư, thế giới lại có nhiều biến động nên tác động lớn vào dự án. Ví dụ, trong lĩnh vực dầu khí, dầu thô từ giá 100-147 USD/ thùng đến nay chỉ còn hơn 40 USD/ thùng, nên tác động đến tính hiệu quả của dự án.

Đơn cử đạm Ninh Bình sản xuất từ khí hóa than thì không thể cạnh tranh dự án từ khí, hay xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh với xơ sợi nhập khẩu..

Ngoài ra, có những nguyên nhân do những tồn tại, vướng mắc, thậm chí vi phạm: năng lực đầu tư của chủ dự án, năng lực của các ban dự án cũng hạn chế; năng lực trong đàm phán, ký kết, quản lý các dự án cũng chưa cao;  các nhà thầu thiếu năng lực... vì thế dẫn đến thời gian đầu tư kéo dài. Trong quá trình đầu tư, nhiều vướng mắc với đối tác nước ngoài nhưng không được giải quyết hiệu quả.

“Với tổng hợp những nguyên nhân đó, hiệu quả kinh tế các dự án không còn, nếu tiếp tục xây dựng, đi vào vận hành thì thu không đủ bù chỉ chi”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Bộ trưởng cho biết, quan điểm của Chính phủ là phải đánh giá đầy đủ các vấn đề của các dự án kém hiệu quả. Mục tiêu là phải bảo toàn vốn, tài sản, lợi ích của Nhà nước, phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Các giải pháp đưa ra có nhiều: hoặc tiếp tục hoàn chỉnh dự án, hoặc bán dự án, thậm chí cho phá sản...

“Bộ Công thương đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ các phương án cụ thể như gang thép Thái Nguyên, dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu xăng sinh học. Sau kỳ họp Quốc hội này,  Chính phủ sẽ xem xét, đưa ra hướng xử lý các dự án này”, Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề quy trách nhiệm để diễn ra tình trạng các siêu dự án ngàn tỷ đắp chiếu, Bộ trưởng cho rằng cần làm cẩn trọng, đánh giá đúng theo khung pháp lý trong từng giai đoạn để xem xét rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, các  chủ dự án, các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Ngoài ra, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, vô tình hay có chủ ý, vì không loại trừ có nguyên nhân cố tình vi phạm của chủ dự án, của cơ quan quản lý Nhà nước. “Điều này sẽ được làm rõ trong thời gian tới, sau khi có kết luận rõ ràng của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.  Bộ sẽ báo cáo sau. Chắc chắn nếu có hành vi cố tình sai phạm sẽ bị xử lý, kể cả hình sự”, Bộ trưởng nêu.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết tới đây phải đổi mới quản trị DNNN. TƯ đã có ý kiến, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng mô hình quản lý DNNN, chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Cùng với đó, thay đổi tư duy trong xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nguồn lực xã hội, nhà nước không nhất thiết phải làm hết các lĩnh vực. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của bộ, ngành, hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, công tác hậu kiểm, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cá nhân trong phê duyệt, quản lý các dự án đầu tư công.

Tranh luận lại phần trả lời này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh cho rằng cần nói rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của Bộ Công thương, của các chủ doanh nghiệp. 

ĐB cho rằng, đáng lo ngại là Nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư, còn lại gần như khoán trắng cho doanh nghiệp để họ tự tổ chức đầu tư. “Vai trò của các bộ liên quan đến đâu?.  Ví dụ vai trò của Bộ KH-CN đến đâu khi cho rằng công nghệ không phù hợp?  Bộ Tài chính thế nào khi để vốn thất thoát. Không phải cứ để doanh nghiệp tự làm rồi đến khi thua lỗ lại báo cáo lên Chính phủ.  Trách nhiệm của các bộ, ngành, đó mới là điều phải làm rõ?”, ĐB Sinh làm rõ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, đây là các dự án kéo dài lâu, khi các công ty Nhà nước không có cơ quan chủ quản, rồi công nghệ từng dự án... Vì vậy, để đánh giá rõ từng dự án phải có thời gian. Hiện nay, các cơ quan, kể cả Thanh tra Chính phủ vẫn đang đánh giá làm rõ để ngăn chặn tình trạng tương tự.

“Với các dự án này, trước 2012 thì theo quy định giao cho các tập đoàn, Tổng công ty, các bộ, ngành tham gia tham mưu quản lý về chiến lược, quy hoạch của ngành, tham gia tham mưu Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau 2012 thì quy định rõ vai trò quản lý cho các bộ, ngành chủ quản trong quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư của doanh nghiệp, vì vậy sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian này.

Ví dụ dự án Đạm Ninh Bình, sẽ làm rõ được trách nhiệm các bên, làm sai tới đâu, xử lý thế nào. Hiện các dự án này vẫn đang được thanh tra, kiểm tra để làm rõ hơn trong thời gian tới.

Trong kỳ Quốc hội sau, Bộ Công thương sẽ báo cáo đầy đủ hơn sau khi đã có các kết luận thanh tra, kiểm tra”, Bộ trưởng nói.

Từ chất vấn của ĐB Nguyễn Tiến Sinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ có báo cáo về trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý các dự án ngàn tỷ đắp chiếu trên.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn, sau 5 dự án trên, còn bao nhiêu dự án có nguy cơ tương tự?.

Chấn chỉnh vấn đề xả lũ của thủy điện

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn về việc các thủy điện bất ngờ xả lũ làm thiệt hại tài sản, tính mạng người dân, như thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh), An Khê - Ka Nak (Gia Lai) vừa qua.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn. Ảnh: Lã Anh 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương đã có báo cáo rất toàn diện về việc quản lý thủy điện. Chúng ta không phát triển thủy điện cũng như các dự án năng lượng bằng mọi giá, đó là quan điểm nhất quán. Chúng ta đã khai thác cơ bản hết tiềm năng các thủy điện lớn của đất nước. Với thủy điện nhỏ, đã đưa ra khỏi quy hoạch những thủy điện nhỏ không bảo đảm. Hiện có 36 dự án thủy điện. Chức năng quản lý đã được quy định rõ cho các bộ, ngành, địa phương. Về bảo đảm an toàn khi xả lũ cũng đã có quy chế rất rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế, việc xả lũ nhiều nơi gây thiệt hại, bức xúc.

Bộ Công thương đã kiểm tra và thấy, quy trình có nhưng chấp hành chưa nghiêm, hoặc thực hiện còn máy móc, chưa đầy đủ. Ví dụ: xả lũ phải thông báo nhưng do không có quy định cụ thể nên việc thông báo không hiệu quả. Chúng ta quy định là xả lũ thì phải thông báo với chính quyền và người dân địa phương, nhưng cách thức thông báo nhiều khi lại không đến nơi.

Không có sự chủ động giữa chủ đập với địa phương, đơn cử thủy điện Hố Hô gọi điện không có ai nghe máy, nên khi xả lũ không có sự phối hợp.

Hệ thống quan trắc không được tốt cũng là nguyên nhân xảy ra các vấn đề ở các thủy điện.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ rà soát lại các quy trình, hoàn thiện các quy định. Đồng thời qua kiểm tra sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các bên liên quan.

Sau khi nghe trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trần Thị Dung thẳng thắn tranh luận lại: “Tôi chưa bằng lòng với câu trả lời này".

Theo ĐB, khi thủy điện Hố Hô xả lũ mà Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh không biết, nhiều người dân không biết, xả lũ vào lúc chập tối, vậy trách nhiệm ra sao?

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bí thư Tỉnh ủy có nói là không biết việc xả lũ này, nhưng thủy điện có báo cáo với Ủy ban Phòng chống lụt bão của tỉnh.

Thủy điện Hố Hô có gọi điện báo nhưng một số xã không nghe máy. Đó là những vấn đề mà tới đây sẽ phải rà soát lại quy trình xả lũ.

Đến đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng qua kiểm tra, Bộ Công thương đã khẳng định thủy điện Hố Hô có sai phạm trong thực hiện quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương chấn chỉnh lại ngay vấn đề xả lũ của thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn phải chịu thiệt hại.

Không có lợi ích nhóm ở dự án thép Cà Ná

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn, sau sự cố Formosa, Bộ đã phê duyệt ngay dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) mặc dù có nhiều ý kiến phản đối. Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án? Có hay không chuyện Bộ chạy theo doanh nghiệp để làm dự án, bất chấp việc hủy hoại môi trường và đánh đổi cuộc sống của người dân?

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Việt Nam có trữ lượng sắt là 1,5 tỷ tấn. Hiện hàng năm Việt Nam nhập sắt thép khoảng 3 tỷ USD, đến năm 2020 có thể nhập tới 15 tỷ USD để phục vụ nhu cầu phát triển. Sắt thép của ta hiện nay mới chỉ đáp ứng một số sắt thép xây dựng, còn sắt thép để phục vụ luyện cán, các sản phẩm thép khác thì rất ít. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đảm bảo lượng thép thô nhất định để phát triển công nghiệp cơ bản, quốc phòng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp cơ bản.

“Tôi xin khẳng định công khai tại Quốc hội, chúng ta không đánh đổi các dự án với môi trường. Không có chuyện đổi dự án thép cho môi trường. Không có lợi ích nhóm ở dự án Cà Ná”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, dự án thép Cà Ná được phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào quy hoạch từ 2001. Quy hoạch này đã được làm đầy đủ các quy trình, thủ tục.

Năm 20088-2009, dự án bị đưa ra khỏi quy hoach vì năng lực của chủ đầu tư không bảo đảm. Năm 2015, dự án tái khởi động với đề nghị của chủ đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen. 

“Đây là điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở các lợi thế so sánh chứ không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt. Dự án đã được xem xét cẩn trọng và đầy đủ quy trình và đã được phê duyệt về quy hoạch. Đây không phải là đánh đổi muối lấy thép, mà căn cứ trên cơ sở phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng, để bảo đảm vấn đề môi trường, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét, thẩm định dự án trên mọi vấn đề cả về quy hoạch, môi trường, hiệu suất. Chỉ khi nào dự án bảo đảm mọi yêu cầu thì mới có hiệu quả về mặt pháp lý.

“Chúng tôi khẳng định không chỉ dự án Cà Ná mà tất cả các dự án thép khác đều sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quy hoạch, môi trường, nhất là sau khi xảy ra sự cố Foromsa”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục