Chiều 17-9, tại phiên họp của UBTVQH Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, liên quan đến nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Dự thảo Luật này đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Cụ thể, dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, Cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Các cơ quan này chỉ có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật.
Dự thảo cũng đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan (giải trình chi tiết tại Phụ lục kèm theo Tờ trình). Đáng lưu ý, dự thảo đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật Đầu tư).
Liên quan đến nhóm quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Danh mục này bao gồm: (i) Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và (ii) Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Ngoài 2 Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định có cách tiếp cận khác nhau về mở cửa thị trường (chọn cho và/hoặc chọn bỏ).
Báo cáo kết quả thẩm tra dự thảo Luật với UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 Luật Đầu tư), Thường trực Uỷ ban Kinh tế có quan điểm hơi khác với Chính phủ. Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo Luật, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Về việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật), cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến khác. Trong khi dự thảo Luật giao Chính phủ quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, cơ quan thẩm tra đề nghị xây dựng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường ngay trong Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật, nhất là Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường. Lý do, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, là để bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.