Chính phủ vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách năm 2022. Trước đó, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã yêu cầu lý giải rõ vì sao trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiệt sức, thì số thu ngân sách lại vượt dự toán khá xa.
Ký báo cáo trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 (tháng 7, 8-2021), dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế (GDP quý 3-2021 giảm 6,02%); nhiều địa phương (trong đó có Hà Nội, TPHCM) phải thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, số thu NSNN tháng 9-2021 giảm mạnh (-46,1%) so cùng kỳ và dự báo tiếp tục giảm sâu trong quý 4-2021.
Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2022 các địa phương xây dựng, Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ trình Quốc hội ở mức thận trọng để chủ động trong điều hành, ứng phó với dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiếm soát lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng (GDP quý 1 tăng 5,05%, quý 2 tăng 7,83%, quý 3 tăng 13,71%, cả năm tăng 8,02%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022), qua đó tác động tích cực đến số thu NSNN.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tập trung triển khai các giải pháp chính sách thu NSNN tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là ở các địa bàn trọng điểm thu, các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản,hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu vào NSNN theo kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước. Phấn đấu tăng thu từ các địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ quan thuế đã thực hiện 76.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra hơn 833.000 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó xử lý tài chính khoảng 73.800 tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 16.900 tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ khoảng 56.900 tỷ đồng; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế khoảng 31.000 tỷ đồng .
Thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26-11-2019 của Quốc hội, cơ quan thuế đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN trong năm 2022 khoảng 4.400 tỷ đồng. Lũy kế số đã xử lý từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 có hiệu lực (1-7-2020) đến hết năm 2022 là 36.800 tỷ đồng.
Với bối cảnh và nỗ lực nêu trên, kết quả thực hiện thu thuế, phí năm 2022 tăng lớn so dự toán (tăng 202.400 tỷ đồng, 22,1% so dự toán).