Ngày 22-10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027.
Dự toán bội chi hơn 471 ngàn tỷ đồng
Theo đó, năm 2024, thu ngân sách ước đạt được 1,87 triệu tỷ đồng, vượt 172.300 tỷ đồng (tương đương 10,1%) so với dự toán. Về chi ngân sách, dự kiến chi cả năm đạt 2,280 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% so với dự toán. Như vậy, bội chi cả năm ước khoảng 389.400 tỷ đồng (giảm 10.000 tỷ đồng so với dự toán).
Trong năm 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, Chính phủ lập dự toán thu ngân sách là 1,96 triệu tỷ đồng (tăng 15,6% so với năm 2024). Trong khi đó, dự toán bội chi ngân sách là 471.500 tỷ đồng (tương đương 3,8% GDP); tỷ lệ nợ công là 36-37% GDP, nợ Chính phủ là 34-35% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép (60% GDP).
Mức dự toán này được đánh giá tích cực trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức. Trong đó, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu ổn định, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước thời gian qua còn chậm. Trong khi, áp lực cân đối chi lớn, nhất là chi công trình hạ tầng quan trọng, nhiệm vụ cấp bách, chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.
Để đảm bảo hiệu quả thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2025, ngoài tiết kiệm chi 10% để đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, Chính phủ đề nghị các bộ ngành, cơ quan Trung ương tiết kiệm thêm chi thường xuyên 10%. Việc này để giảm bội chi ngân sách và tăng chi các nhiệm vụ cần thiết phát sinh và bổ sung tăng chi công.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công. Trong điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bất cập của một số đối tượng, ngành nghề như y tế, giáo dục.
Đồng thời kiến nghị Quốc hội mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy dành cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để điều chỉnh một số chính sách về lương hưu, trợ cấp, an sinh xã hội, tinh giản biên chế.
Cùng với đó, kiến nghị cho phép địa phương có nguồn cải cách tiền lương lớn được sử dụng để đầu tư dự án kết nối vùng, quốc gia, công trình trọng điểm quốc gia trong trường hợp địa phương cam kết đảm bảo nguồn cải cách tiền lương tới 2030 và không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng một phần quỹ tích lũy tiền của Trung ương và địa phương còn dư, tổng hợp vào báo cáo ngân sách 2025 để bố trí đủ mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Đề nghị tiết kiệm các khoản chi thường xuyên
Báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí chưa xem xét tiếp tục điều chỉnh tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp người có công.
Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí cho phép sử dụng nguồn tiền cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đề nghị của Chính phủ.
Về chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách.
Trong điều hành chi ngân sách cần chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh thất thoát, lãng phí.
Năm 2025, Chính phủ dự kiến kế hoạch đầu tư công là 790.727 tỷ đồng. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thống nhất với kế hoạch này. Song đề nghị Chính phủ cần có danh mục dự án cụ thể, bố trí hợp lý nguồn vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát và chuyển nguồn sang năm sau quá lớn.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, việc này tránh để lãng phí, thất thoát.
Dự kiến có 11 địa phương không đạt dự toán thu ngân sách
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2024, dự kiến 11 địa phương không đạt dự toán, nếu không kể số thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ tức… Vì vậy, khi báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị, các địa phương cần tích cực tăng thu, giảm chi không cần thiết, sử dụng nguồn dự phòng để đảm bảo thu ngân sách cả năm.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chi đầu tư phát triển theo dự kiến. Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cam kết về tiến độ giải ngân.