Tại hội trường UBND thị trấn Thuận An, Thủ tướng đã có buổi nói chuyện, trao đổi với chính quyền và ngư dân trên địa bàn. Là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt cũng như thu mua thủy sản lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, với sự cố gắng và nỗ lực của chính quyền các cấp, thị trấn Thuận An là địa phương đầu tiên hoàn thành việc bồi thường sự cố môi trường biển của huyện Phú Vang.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển cho hơn 46.200 đối tượng với số tiền hơn 980 tỷ đồng. Tại buổi gặp mặt, các ngư dân đã trình bày tâm tư, nguyện vọng với mong muốn Chính phủ có thể đẩy nhanh việc phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đồng thời xúc tiến việc mở rộng cảng cá Thuận An, đảm bảo việc neo đậu và trao đổi hàng hóa cho tàu công suất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi địa phương đã chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển một cách công khai, minh bạch, xuyên suốt, tạo nên sự đoàn kết trong nhân dân. Đồng thời Thủ tướng biểu dương chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là thị trấn Thuận An trong việc sử dụng tiền bồi thường sự cố môi trường biển đúng mục đích cho mua sắm thiết bị, phát triển sản xuất kinh doanh.
Sau buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và tặng quà tại 2 hộ gia đình ngư dân Trần Dành và Nguyễn Hóa (ở tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An). Thủ tướng đã động viên, chia sẻ, khuyến khích các gia đình tiếp tục cố gắng vươn khơi bám biển trên ngư trường của Tổ quốc.
Tiếp đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đến thăm bà con ngư dân tại cảng cá Bắc Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Thời điểm này, tàu cá của ngư dân Bùi Đình Mười (trú thị trấn Cửa Việt) vừa cập cảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến các ngư dân đưa cá lên khỏi thuyền, cân và bán cá cho thương lái. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến tàu cá ngư dân mang về bờ nhiều cá đặc sản, trong đó có con cá ngừ đại dương nặng gần 60kg, cá nghéo đại dương nặng gần 150kg. Thủ tướng hỏi thăm các loại cá ngư dân Mười đánh bắt được, giá cả và việc mua bán, đánh bắt có thuận lợi hay không. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mua một con cá thu và hai con cá ngừ đại dương vừa đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.
Ngư dân Bùi Đình Sành cho hay những hỗ trợ kịp thời của Nhà nước ngay sau sự cố môi trường biển miền Trung đã giúp ngư dân ổn định cuộc sống, đồng thời có một phần trang trải để tái đầu tư cho nghề biển. Ông Sành đề nghị Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, vì đây là nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi đầu tư vốn liếng lớn.
Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên bà con yên tâm bám biển, chia sẻ với bà con những khó khăn trong thời gian qua.
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà các cơ sở sản xuất và ngư dân xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), xã Quang Phú (TP Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Xã Thanh Trạch có 7.460 đối tượng được đền bù với trên 110 tỷ đồng; xã Quang Phú có trên 2.500 đối tượng với số tiền được đền bù trên 60 tỷ đồng. Các địa phương đã nỗ lực thực hiện kịp thời và hiệu quả công tác đền bù thiệt hại, đồng hành cùng người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, đến thời điểm này, đời sống và sản xuất của người dân nói chung, ngư dân nói riêng đã ổn định và phục hồi. Đại diện các hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất cũng đã có các kiến nghị, đề xuất đối với đoàn công tác về nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ ngư dân, các cơ sở sản xuất để tiếp tục đầu tư, mở rộng, nâng cao năng lực khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động. Về lâu dài, đề nghị Chính phủ và tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các địa phương nguồn ngân sách và cơ sở hạ tầng để có thể tạo bước đột phá về kinh tế trong những năm tiếp theo.
Cũng trong sáng 16-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con ngư dân Hà Tĩnh.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra Khu du lịch biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Sau 2 năm sự cố môi trường biển, khu du lịch này đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, có hơn 430.000 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng và tiêu thụ hải sản trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017. Người dân hiện cũng không còn tâm lý lo ngại e dè khi về biển.
Sau đó, đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con ngư dân ở thôn Trung Tân (xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa về việc ổn định đời sống cho nhân dân, đặc biệt thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương trong việc khôi phục kinh tế biển sau sự cố môi trường.
Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52/53 hành vi vi phạm
Sau khi đi kiểm tra công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con ngư dân Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã đến kiểm tra tình hình hoạt động cũng như các công trình bảo vệ môi trường tại nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh.
Theo báo cáo từ phía Formosa Hà Tĩnh, đến nay, công ty đã khắc phục được 52/53 hành vi vi phạm, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành bảo đảm điều kiện vận hành chính thức lò cao số 1. Lò cao số 1 đang hoạt động ổn định với 100% công suất, mỗi ngày sản xuất hơn 9.135 tấn gang lỏng để chuyển sang luyện, cán thép. Đối với hạng mục lò cao số 2, đã hoàn thành việc xây dựng, sẵn sàng cho việc vận hành thử nghiệm trong tháng 5.
Trong công tác bảo vệ môi trường, 7 hạng mục bổ sung về bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển đều đã hoàn thiện và hoạt động ổn định. Trong hơn 2 năm qua, các kết quả về nước thải, khí thải của Formosa Hà Tĩnh trước khi xả ra môi trường đều đạt quy chuẩn cho phép; đặc biệt, thông số Xyanua và Phenol có nồng độ rất thấp so với tiêu chuẩn Việt Nam