Sáng 22-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận về một số nội dung: Tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội; 3 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để trình Quốc hội.
Trong đó, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ KH-ĐT chuẩn bị; đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) do Bộ TN-MT chuẩn bị; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược do Bộ Y tế chuẩn bị; đề nghị xây dựng Luật Công chứng do Bộ Tư pháp chuẩn bị.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ nghe lãnh đạo các bộ, ngành: KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, Công thương, NN-PTNT báo cáo về các trọng tâm điều hành trong lĩnh vực phụ trách liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô thời gian tới.
Cụ thể, Bộ trưởng KH-ĐT báo cáo tóm tắt trọng tâm điều hành việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải ngân đầu tư công và quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo về trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ. Bộ Tài chính báo cáo về trọng tâm điều hành chính sách tài khóa. Bộ Công thương báo cáo về điều hành thị trường trong nước, quốc tế, dự báo tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bộ NN-PTNT báo cáo về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển sản xuất nông nghiệp. Bộ LĐTB-XH báo cáo về bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động.
Nội dung này được Chính phủ thảo luận trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng có xu thế giảm, lạm phát có xu thế tăng cao, ngân hàng Trung ương của nhiều nước tăng lãi suất, tác động tới nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20, 21-9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm. Hiện đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế thế giới nói chung đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng có xu thế giảm, lạm phát có xu thế tăng cao. Gần đây, các ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, EU, Anh, Nhật Bản có xu hướng tăng lãi suất, tăng giá trị đồng tiền thì hệ lụy làm giảm giá trị đồng tiền các nước, tác động rất lớn đến các nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần đưa ra một số nhiệm vụ giải quyết để đối phó tình hình lúc khó khăn này.