Ngày 20-9, Chính phủ ban hành Nghị quyết 109/NQ-CP về mua vaccine phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất, trong đó có việc tiếp nhận đủ số lượng 10 triệu liều vaccine...
Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng Covid-19 Abdala của Cuba, bảo đảm chất lượng vaccine, tiến độ, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để có phương án tổ chức thực hiện cho phù hợp.
Để góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đề xuất 2 phương pháp điều trị mới mà thế giới đã áp dụng thành công.
Thứ nhất, truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Đây là phương pháp không mới, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng phương pháp này và góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Nghiên cứu gần đây rất đáng chú ý của Libster và cộng sự đăng trên tạp chí y học có uy tín New England Journal of Medicine cho thấy, truyền plasma của người bệnh đã hồi phục làm giảm tỷ lệ bệnh nhân bị suy hô hấp và làm giảm tỷ lệ tử vong. Trong nghiên cứu này, họ đã truyền huyết tương cho bệnh nhân rất sớm trong vòng 72 giờ từ khi có triệu chứng và chỉ truyền huyết tương có hiệu giá kháng thể chống lại virus cao. Mặc dù đối tượng truyền là những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền, nhưng không có bệnh nhân nào có tác dụng phụ nghiêm trọng. Thu huyết tương từ người cho tặng về nguyên tắc giống như thu nhận máu từ những người hiến máu. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, Bộ Y tế nên chỉ đạo Bệnh viện Huyết học TPHCM và Viện Huyết học truyền máu Trung ương lập sớm ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao.
Thứ hai, truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp. Phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với các bệnh nhân Covid-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỷ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô với số lượng lớn, nếu được nghiên cứu triển khai sẽ là một phương pháp hứa hẹn góp phần giảm thấp tỷ lệ tử vong.