Ngày 8-8, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.
Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hơn 700 đại biểu lãnh đạo các bộ ngành và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông trong nước và quốc tế.
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc tại Vietnam ICT Summit 201, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế - xã hội định hình nó.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hành động cụ thể như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, các giải pháp nền tảng (Platform) và Đào tạo. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp ICT, mỗi người phải “nhận lấy” một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó.
Chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. Không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây sẽ vừa là Nhà nước đi đầu và cũng vừa là kiến tạo thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển…
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rằng: “Để CĐS thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, DN/tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “Điểm Đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành CĐS. Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức/doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở...”.
Với mục tiêu “CĐS vì một Việt Nam hùng cường”, kỳ diễn đàn này cũng nhấn mạnh đến yếu tố một tiên quyết - đó là sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “Có thể nói, đến nay, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp các giải pháp cho CĐS. Với những nền tảng mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu, sự thấu hiểu quy trình - kinh nghiệm CĐS cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, đây sẽ là động lực để Việt Nam có thể bứt phá và bắt kịp tốc độ công nghệ vũ bão của thế giới”
Cũng tại Diễn đàn lần này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày bản cập nhật mới nhất của Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Bộ đang xây dựng, nhằm thu hút thêm những ý kiến và đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện công trình này.
Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào tài nguyên, quy mô vốn, trong khi năng suất, năng lực cạnh tranh chưa được như kỳ vọng.
Chính vì vậy, cải thiện, thúc đẩy năng suất lao động là cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng, trong đó, công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang có vai trò quan trọng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia biết cách tận dụng bứt phá và Việt Nam có quan điểm tận dụng cuộc cách mạng này để phát triển công nghiệp số, kinh tế số để trở thành nước phát triển vào năm 2045. Thúc đẩy kinh tế số là đẩy mạnh đổi mới mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Để làm được điều này, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định các giải pháp như: phát triển hạ tầng số; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để ứng dụng công nghệ thông tin; lấy doanh nghiệp thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ thông tin là chủ lực, đóng vai trò tiên phong hiện thực hóa cơ hội, tiềm năng.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp viễn thông chủ lực mang tính dẫn dắt; khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước nhất là công nghệ cao, công nghệ thông tin, chế tạo; xây dựng hạ tầng số bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Và, trong các mục tiêu, giải pháp trên, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tối đa sự phát triển.
Với chủ đề về công cuộc chuyển đổi số và khát vọng phát triển trong thời đại số hoá, PGS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) chỉ ra 8 xu hướng lớn toàn cầu. Trong đó, công cuộc cách mạng thông tin và truyền thông (ICT) tác động đến tăng trưởng kinh tế và hiệu quả kinh doanh, tạo ra sự lan toả, khuếch tán nhanh chóng của công nghệ và chuyển đổi số thúc đẩy năng suất nghiên cứu và phát triển, so sánh ứng dụng điện toán đám mây. Cũng theo PGS-TS Vũ Minh Khương, đòn bẩy số thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, sự phối hợp đổi mới và hợp tác.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Vietnam Report đã vinh danh Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019; Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2019 và Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2019, Top 10 công ty niêm yết uy tín năm 2019.