Trong khi trên thực tế, việc xây dựng chính phủ điện tử không phải chỉ dựa trên những phần mềm tin học, mà nền tảng chính đó là “dữ liệu” - vấn đề lớn nhưng đến giờ vẫn còn nhiều vướng mắc.
Muốn chính phủ điện tử, phải xây nguồn dữ liệu
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, do vậy, Việt Nam muốn chủ động thích ứng thì phải thực hiện chuyển đổi số, hướng tới một quốc gia số, quốc gia thông minh. Như phát biểu tại hội thảo Vietnam Finance 2018 (do Cục Tin học và Thống kê tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính, phối hợp với IDG Vietnam tổ chức mới đây), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, khái niệm chuyển đổi số hiện nay mới được đề cập trong phạm vi hẹp, được hiểu là số hóa ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ. Trong khi vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, cái cần nhất vẫn xoay quanh một từ, đó là “dữ liệu”. Chúng ta cần tạo ra dữ liệu, lưu trữ dữ liệu. Đối với những dữ liệu đã có nhưng chưa sử dụng được thì cần phải áp dụng công nghệ, đầu tư nhân lực để sử dụng được nó. Sau đó, xem xét đến việc chia sẻ và bảo vệ được các dữ liệu, từ đó tạo động lực phát triển cho nhiều ngành nghề khác, cho toàn xã hội và người dân.
Thực tế hiện nay, việc xây dựng dữ liệu ở Việt Nam vẫn manh mún, mạnh ngành nào, ngành đó làm, mạnh địa phương nào địa phương đó làm mà không có việc kết nối ngay từ đầu; nên hầu như dữ liệu chỉ sử dụng nội bộ, vô hiệu hóa khi kết nối. Nguyên nhân, không có sự thống nhất nguồn ngay từ đầu. Ngay cả ở TPHCM - thành phố đi đầu trong cả nước ở lĩnh vực này - đến giờ các ngành vẫn “bí mật” dữ liệu với nhau. Điển hình, dù Sở Kế hoạch và Đầu tư đã liên thông cấp phép “3 trong 1” (cấp giấy chứng nhận đầu tư, mã số thuế và cả con dấu cho doanh nghiệp một lần) nhưng ngành công an vẫn không chia sẻ thông tin dữ liệu cho sở này nên… mạnh ai nấy làm! Dẫn đến việc người dân đổi số chứng minh thư không được cập nhật để kiểm tra, giám sát. Cụ thể, một cán bộ ở quận 5 bị mất chứng minh nhân dân năm 2012, đã làm “cớ mất” xin cấp lại chứng minh nhân dân mới, và sau đó chuyển đổi thành chứng minh thư theo số mới. Nhưng bỗng một hôm chị phát hiện tên và số chứng minh nhân dân cũ của mình được đăng ký đứng tên thành lập doanh nghiệp tại quận 4. Sợ người khác dùng tên mình làm bậy nên chị phải gửi đơn khắp nơi (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an TPHCM) nhưng nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù các chữ ký trong giấy đăng ký kinh doanh không phải chữ ký của chị.
Mỗi nơi tự làm: thiếu kết nối, đội chi phí
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, một trong những tiêu chí đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số là việc theo dõi cách thức tạo ra và sử dụng, chia sẻ dữ liệu thế nào. Nhưng hiện nay, các ngành vẫn chậm liên thông, kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Còn nhớ, Chương trình 112 về công nghệ thông tin được TPHCM thí điểm trước đây gặp khó khăn vì mỗi đơn vị tự xây dựng phần mềm và dữ liệu cho mình, đến khi kết nối vào mạng chung thì không tương thích với nhau. Tương tự, gần đây một số quận đã vận động dân tham gia đóng góp tiền gắn hệ thống camera giám sát khu vực công cộng, nhưng đến khi đưa vào hệ thống chung thì không kết nối được vì… mỗi nơi làm một kiểu. Do vậy, nói như PGS-TS Dương Anh Sơn (Đại học Kinh tế - Luật), chúng ta liên tục nhắc đến và hướng tới thành phố thông minh, chính quyền điện tử bằng các phần mềm mà không bắt đầu xây dựng dữ liệu, kết nối và chia sẻ mạng dữ liệu chung, thì mục tiêu đó chỉ dừng ở khẩu hiệu. Nếu bây giờ để các ngành tự làm, không có “tư lệnh” chỉ đạo chung thì sau này các dữ liệu không kết nối sử dụng được, gây thêm lãng phí.
Hiện nay, ngành tài chính cũng đã đứng ra kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và nền tảng số hóa ở các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc…, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
“Mỗi năm, ngành tài chính xử lý trên 20 triệu hồ sơ trực tuyến”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành tài chính đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, để tiến tới chính phủ điện tử thì không chỉ một ngành, mà Nhà nước cần ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến công nghiệp 4.0. Phải nghiên cứu từ đầu về xây dựng hạ tầng, giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng, kết nối liên thông hệ thống thông tin, về xác thực, định danh điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân... Khi đó, bất kỳ đơn vị, địa phương nào tham gia thì đảm bảo trên nền tảng chung để có thể kết nối và đáp ứng điều kiện xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số.
Hiện nay các đơn vị y tế đã tự xây dựng dữ liệu khách hàng cho mình. Như trang “edoctor” đã thu hút đông đảo người tham gia; một số phần mềm y tế khác cho phép quản lý các thông tin khách hàng, từ nhóm máu, tiền sử bệnh, hồ sơ bệnh án… để khi có sự cố khẩn cấp thì nơi đó biết toàn bộ thông tin của bệnh nhân. Thế nhưng, vì không đồng bộ và thiếu kết nối, chia sẻ, nên đơn vị y tế khác sẽ không khai thác được những thông tin này khi cần thiết. |