Trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
Dự án luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân; sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân; phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và phân bổ thẻ BHYT.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh, một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi. Quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Trình bày thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng BHYT quy định tại dự thảo luật. Ủy ban đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia BHYT theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ tại lần sửa đổi này; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT. Với các nhóm đối tượng mới, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động đến ngân sách nhà nước, quỹ BHYT.
Với đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này do đang thực hiện ổn định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này thay vì quy định cho phép lựa chọn phương thức đóng để giảm chi phí của gia đình. Bên cạnh đó, cần rà soát, quy định về phương thức đóng BHYT với một số đối tượng mới được bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Về phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia BHYT, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng. Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo chỉ điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng khi đã đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; bảo đảm bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia BHYT có tính chất tương đồng.
Về nội dung Chính phủ xin ý kiến, Ủy ban Xã hội thấy rằng, dự thảo sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, Ủy ban Xã hội đề nghị giữ tinh thần của luật hiện hành để bảo đảm mọi người dân được khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và một số là cấp cơ bản gần nơi sinh sống, làm việc; đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu với một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc thù và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ thẻ BHYT để loại bỏ nguy cơ lạm dụng chính sách, tạo cơ chế xin – cho và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở.
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm quyền của người dân được sử dụng kịp thời dịch vụ y tế chất lượng, phù hợp với tình trạng bệnh tật. Tuy nhiên, cần tránh việc hiểu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu chỉ được sử dụng thuốc và thiết bị y tế thấp hơn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, để giải quyết được căn cơ quyền lợi của bệnh nhân BHYT, đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng.