
Trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xây dựng và phát triển TTTCQT đặt tại TPHCM và Đà Nẵng - trở thành TTTCQT hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và TTTC lớn trên thế giới.
Dự thảo nghị quyết gồm 6 chương và 36 điều, quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển TTTCQT theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển TTTCQT.

Cùng với đó, để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương, dự thảo nghị quyết quy định: cho phép Chính phủ được ban hành nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.
Cơ quan điều hành, cơ quan giám sát TTTCQT được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan điều hành được quyết định sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại TTTCQT.
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; đặc biệt là làm rõ hơn tác động khi có TTTCQT; những kinh nghiệm quốc tế phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.
“Vận hành TTTCQT tại Việt Nam là vấn đề mới ở nước ta, do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; đồng thời phân cấp cho 2 thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về nội dung tại dự thảo nghị quyết quy định: “Trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ được ban hành Nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại phiên họp gần nhất”, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị định để quy định những vấn đề khác với luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Trường hợp Bộ Chính trị cho phép Chính phủ ban hành các quy định khác với luật, pháp lệnh, quy định những vấn đề mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH thì sẽ giữ quy định như dự thảo nghị quyết, song cần bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc ban hành các quy định khác với pháp luật hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Thảo luận vấn đề này, các ý kiến trong UBTVQH lưu ý, căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố (TPHCM và Đà Nẵng), nghị quyết có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở. Trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.