Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án, dự thảo luật, nghị quyết

Trường hợp dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì có thể được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, theo quy trình 1 kỳ họp. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp

Ngày 8-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 21 thẩm tra đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024.

Tại phiên họp, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng trình bày tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và tiến hành thảo luận về các nội dung này.

QC 8.jpeg
Quang cảnh phiên họp

Theo các tờ trình, đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa chương trình năm 2024 với năm 2025, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án, dự thảo (7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, 1 dự án pháp lệnh), lùi thời gian trình đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị trình Quốc hội xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc đề nghị đưa 18 dự án luật vào chương trình. Trong đó, tại kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua 8 dự án luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8) và cho ý kiến 10 dự án luật.

Tại kỳ họp thứ 10, dự kiến thông qua 10 dự án luật; không có dự án luật trình cho ý kiến. Các dự án luật được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình năm 2025 gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi).

TÙNG 8.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ về chương trình năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024. Mặc dù tán thành đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, song các ý kiến nhấn mạnh, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cách đây 17 năm, đến nay có nhiều vấn đề mới phát sinh, thực tiễn cũng thay đổi rất nhiều so với thời điểm ban hành, do đó Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ý kiến cơ bản nhất trí với đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình năm 2024. Tuy nhiên, có ý kiến chỉ rõ, phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ là sửa đổi toàn diện, thay thế Luật Điện lực hiện hành nên đề nghị chưa khẳng định ngay việc áp dụng quy trình xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp; đồng thời, nêu rõ, trường hợp dự án luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Tin cùng chuyên mục