
Tại họp báo, liên quan đến việc Hoa Kỳ công bố mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho rằng, mức thuế 46% mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 9-4 có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới; tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; ảnh hưởng đến phát triển của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm trong nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày...) đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu. Khi tăng thuế, giá cả hàng hóa của Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh với hàng hóa nước khác sẽ kém đi, sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng suy giảm, nên hàng hóa Việt Nam sẽ giảm. Với các hợp đồng doanh nghiệp đã ký kết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ xem xét có tiếp tục hợp đồng hay không; các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn. Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Hoa Kỳ và có giải pháp hài hòa.

Trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng cũng đã lập tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng.
Về xuất khẩu, Việt Nam sẽ tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương; đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán FTA với các thị trường như Trung Đông, Mỹ Latin, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Về tình hình tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025, dự kiến kết quả thu hút FDI năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, quý 1 có rất nhiều ngày nghỉ, nhưng tăng trưởng đạt 6,93%, gần sát với kịch bản tăng trưởng. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị.

Dù chúng ta tiếp tục gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tháng 4, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu và quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, cố gắng phấn đấu đạt từ 8% trở lên. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực. Tính chung, Bộ Tài chính xây dựng quý 2 đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%, lần lượt quý 3, quý 4 là 8,3% và 8,4%. Kịch bản này rất thách thức nhưng có lý do để có thể đạt được.
Quý 1, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ...
Theo đại diện Bộ Tài chính, chính sách thuế của Hoa Kỳ cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án lớn về đầu tư nước ngoài.