“Chính phủ chờ” ở Syria

Tiến tới chính phủ lưu vong?
“Chính phủ chờ” ở Syria

Ngày 13-11, sau khi các nhóm đối lập Syria thỏa thuận thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria và bầu người đứng đầu, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Ảrập (AL) là những tổ chức đầu tiên công nhận liên minh này, coi đó là đại diện hợp pháp của người dân Syria. Báo chí phương Tây gọi liên minh này là một “chính phủ chờ” quá trình chuyển tiếp sắp diễn ra.

Cảnh hoang tàn ở phía Nam thủ đô Damascus.

Cảnh hoang tàn ở phía Nam thủ đô Damascus.

Tiến tới chính phủ lưu vong?

Hãng thông tấn Saudi Arabia dẫn một tuyên bố của Tổng thư ký GCC Abdul Latif al-Zayani cho biết GCC sẽ cung cấp các hỗ trợ và giúp đỡ liên minh đối lập nói trên nhằm giúp nhân dân Syria đạt được ý nguyện.

Ông cũng bày tỏ hy vọng việc công nhận liên minh này là một bước giúp thúc đẩy chuyển giao quyền lực nhanh chóng, chấm dứt tình trạng bạo lực làm thiệt mạng người dân vô tội, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc mở đường cho việc thành lập một nhà nước pháp trị.

Tại một hội nghị của Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Prague (CH Czech), Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhận định đây là một bước tiến quan trọng và có thể giải quyết tình hình ở Syria bằng một giải pháp chính trị, NATO sẽ không can thiệp vào Syria như đã làm tại Libya.

Các nguồn tin cho biết liên minh đối lập mới thành lập chủ yếu là các nhóm đối lập lưu vong cùng một số nhân vật hoạt động trong nước, một số chỉ huy các nhóm chống đối. Liên minh này dự định thành lập một chính phủ lâm thời lưu vong và sẽ kêu gọi tổ chức một hội nghị dân tộc khi chính quyền hiện tại ở Syria bị lật đổ.

Một nhân vật đối lập nổi bật ở Syria, Luai Hussain, người đứng đầu đảng Xây dựng nhà nước Syria, cho rằng thành lập một chính phủ lưu vong sẽ là “xâm phạm quyền của người Syria tự quyết định vận mệnh của mình và lựa chọn lãnh đạo”.

Thực lực của Syria

Ngay sau khi vừa tuyên bố thành lập, ngày 12-11, liên minh đối lập tại Syria cho biết họ đã nhận được sự đảm bảo của không dưới 10 chính phủ châu Âu trong việc cung cấp vũ khí chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Vũ khí sẽ được các nước phương Tây chuyển cho lực lượng đối lập Syria ngay sau khi lực lượng này thành lập được một bộ chỉ huy quân sự chung và một chính quyền lâm thời.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn dành riêng cho mạng tin RT.com, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng Syria sẽ không lâm vào một cuộc nội chiến mà là một loại chiến tranh khác, đó là khủng bố mượn tay người khác của phương Tây. Theo vị tổng thống này, nước ông đã bị nhiều nhóm khủng bố thân phương Tây xâm nhập, chiến đấu vì lợi ích của các cường quốc khác nhau. Ông cảnh báo trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược tại Syria, thế giới sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Nhận định về khả năng một cuộc chuyển tiếp chế độ sắp diễn ra, bất chấp cam kết hỗ trợ vũ khí của phương Tây dành cho liên minh đối lập, giới phân tích cho rằng Damascus vẫn đủ tiềm lực để chiến đấu. Igor Korotchenko, tướng về hưu của quân đội Nga, hiện đang là biên tập viên của tạp chí National Defense nhận định: “Chính phủ Syria có lợi thế vũ khí hơn lực lượng đối lập với hơn 1.000 xe tăng và khoảng 300 máy bay chiến đấu. Miễn là Tổng thống Bashar Assad có đủ tiền để chi cho quân đội, Syria vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến nếu diễn ra”.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng thật khó tiếp cận thật sự lực lượng không quân và tiềm năng quốc phòng của Syria. Theodore Karasik, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Phân tích quân sự cận Đông và vùng Vịnh tại Dubai, nhận định trong trường hợp nếu Mỹ hỗ trợ hậu cần, như hoạt động giám sát và tình báo, liên minh đối lập ở Syria có khả năng chiếm ưu thế trên mặt đất.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục