Chính phủ đã chính thức có Tờ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Thừa ủy quyền Thủ tướng ký Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, căn cứ cơ sở chính trị, pháp lý, yêu cầu thực tiễn và tiến độ chuẩn bị, Chính phủ đề nghị trình dự án Luật Đất đai để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).
Nêu rõ yêu cầu thực tiễn của việc sửa đổi Luật Đất đai, Tờ trình này cho biết, dự kiến phạm vi điều chỉnh được giữ nguyên như Luật Đất đai hiện hành, song sẽ sửa đổi, bổ sung 133/212 điều (chiếm 62,7%), giữ nguyên nội dung 79 điều của Luật Đất đai năm 2013) và bổ sung 14 điều mới.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 11 nhóm chính sách. Trong đó, những nội dung đáng lưu ý bao gồm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai…
Các lĩnh vực khác cũng sẽ được điều chỉnh bao gồm: thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai. Bên cạnh đó là quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.
Mỗi nhóm chính sách kể trên đều có khá nhiều điểm mới. Chẳng hạn, với nhóm chính sách về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai sẽ bổ sung quyền ưu tiên mua trước của Nhà nước (quyền tiên mãi) đối với trường hợp người sử dụng đất đăng ký giá chuyển nhượng thấp; quyền quản lý, khai thác và sử dụng khoảng không; quyền quản lý, khai thác và sử dụng phần ngầm, chiều sâu trong lòng đất vào quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai.
Đặc biệt, liên quan đến khung giá đất, giải pháp sửa đổi được đề xuất là Nhà nước quản lý thống nhất hệ thống thông tin giá đất, song Chính phủ không ban hành khung giá đất.
Giải pháp này, theo cơ quan chủ trì soạn thảo là sẽ giúp địa phương chủ động trong việc ban hành bảng giá đất phù hợp hơn với giá đất phổ biến trên thị trường; hạn chế tình trạng khiếu nại liên quan đến giá đất.
Về giá đất cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong việc áp dụng các phương pháp tiên tiến trong định giá đất theo các tiêu chẩn quốc tế. Phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cho phù hợp với thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất.