![Lực lượng MONUSCO tại CHDC Congo. Ảnh: REUTERS 2025-01-25T164312Z_1653609933_RC2RGCAX74TV_RTRMADP_3_CONGO-SECURITY-1737836787 (1).jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/znaeba/2025_02_06/2025-01-25t164312z-1653609933-rc2rgcax74tv-rtrmadp-3-congo-security-1737836787-1-3840-3541.jpg.webp)
Bà Vivian van de Perre, Phó Trưởng phái bộ LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO) cho biết đã có 2.000 thi thể được thu thập từ các đường phố Goma trong những ngày gần đây và 900 thi thể vẫn còn trong nhà xác của các bệnh viện ở Goma.
MONUSCO được triển khai giữ gìn hòa bình ở CHDC Congo từ năm 2000 nhưng hầu như chưa mang lại hiệu quả. Các cuộc tấn công mới nhất cũng đã làm 13 binh sĩ đa quốc gia trong MONUSCO thiệt mạng. Dự kiến, tổng số người chết sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo CNN, việc thu hồi các thi thể diễn ra sau khi liên minh phiến quân, Alliance Fleuve Congo (AFC), bao gồm nhóm vũ trang M23 tuyên bố ngừng bắn từ ngày 4-2 để “giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo do chế độ Kinshasa gây ra” - ám chỉ chính phủ CHDC Congo.
Trong khi đó, theo Chính phủ CHDC Congo, lệnh ngừng bắn là “thông tin sai lệch” và giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra ở tỉnh Nam Kivu. CHDC Congo có hơn 100 triệu dân, đã trải qua nhiều thập kỷ bạo lực do căng thẳng sắc tộc và các cuộc chiến giành quyền sở hữu đất đai và tài nguyên khoáng sản. Các cuộc xung đột dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới.
Mỹ và các chuyên gia của LHQ cáo buộc nước láng giềng Rwanda ủng hộ M23, lực lượng chủ yếu bao gồm người Tutsi đã tách khỏi quân đội Congo hơn một thập kỷ trước. Kể từ năm 2022, M23 tuyên bố bảo vệ lợi ích của các cộng đồng thiểu số. M23 chiếm đóng một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Bắc Kivu, giáp ranh với Rwanda và Uganda, là nơi có nhiều khoáng sản quý hiếm.