Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội tại hội nghị toàn quốc được tổ chức tại Nhà Quốc hội sáng nay, 7-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, đa số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024; 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới; các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp. Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản phối hợp với các bộ, ngành chủ trì tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh mới biên soạn tài liệu giới thiệu 7 luật…
Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Theo yêu cầu tại kế hoạch số 736/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18-1-2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thông qua đề nghị xây dựng: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024, đề ra 17 chỉ tiêu cụ thể về cải cách thủ tục hành chính các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2024.
Ông Trần Lưu Quang cũng cho biết, Chính phủ đang xem xét đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Sau khi xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết. “Nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp, dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành. Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Bên cạnh đó, nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế: cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện trong công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.
Tiếp tục chương trình hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo giám sát việc triển khai xây dựng pháp luật.
Về Luật Nhà ở, đạo luật có tác dụng sâu rộng đến đời sống nhân dân, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng khái quát: Thủ tướng Chính phủ đã sớm có văn bản phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã chuẩn bị các dự thảo: nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gửi xin ý kiến các cơ quan, địa phương; có kế hoạch triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền về Luật Nhà ở gắn với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong việc triển khai thi hành Luật Nhà ở.
Đáng lưu ý, về các dự án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, đến nay các cơ quan mới hoàn thành, trình UBTVQH cho ý kiến đúng tiến độ tại phiên họp thứ 30 (tháng 2-2024) đối với 2 dự án (Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ); 3 dự án luật được lùi thời gian do các cơ quan cần có thêm thời gian chuẩn bị. Về các dự án cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, đến nay Chính phủ mới trình UBTVQH xem xét 1 dự án; hầu hết các dự án còn lại mới được Chính phủ xem xét tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 27-2-2024.
Về tình hình, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, ông Hoàng Thanh Tùng khái quát: “Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã dành nhiều sự quan tâm hơn; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc rà soát, có đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật nhưng chưa được các cơ quan kịp thời lập đề nghị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình, nhất là các luật về thuế”.