Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 - với Chủ đề Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, sáng 17-12, các chuyên gia, nhà quản lý đã tham gia Hội thảo chuyên đề Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đồng chủ trì.
Tại đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây. Những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường.
“Có thể thấy đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung hạn, dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân”, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu cho rằng, hiện quy mô thị trường tài chính Việt Nam với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tính đến hết tháng 9-2022 tương đương khoảng 295% GDP năm 2022; trong đó, hệ thống ngân hàng giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 64,7% quy mô tài sản hệ thống tài chính.
Từ thực tế hiện nay, TS Cấn Văn Lực chỉ ra 6 rủi ro, thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam năm 2022-2023 từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, mức nợ xấu gộp của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.
Đối với nhóm bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng năm 2022. Doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 20% lượng trái phiếu phát hành, chỉ sau các tổ chức tín dụng. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115.000 tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi.
Theo Tiến sĩ Lực, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Vì thế, một bộ phận doanh nghiệp (nhất là lĩnh vựcbất động sản) có tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Khi đó, hệ lụy của việc vỡ nợ này là lớn, phức tạp, cần kiểm soát vì mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn (ngân hàng thương mại cho vay bất động sản khoảng 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ của nền kinh tế; nhiều tài sản đảm bảo tín dụng là bất động sản chiếm khoảng 65%; ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp - số dư khoảng 284.000 tỷ đồng…).
Từ thực tế hiện nay, TS Cấn Văn Lực đưa ra nhiều kiến nghị lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó có việc điều hành chính sách cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá… Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai kịp thời và hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng.
Chính phủ cần có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính -bất động sản; trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệpbất động sản. Hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính: nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Sửa đổi Nghị định 128/2021/ND-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng). Ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường chứng khoán.
Chính phủ cũng cần sớm cho sửa các quy định về trái phiếu doanh nghiệp. Với việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 16/2021 và Nghị định 65/2022, thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh, nhất là sau những vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… thanh khoản thị trường co hẹp, giảm đáng kể lực cầu và cung. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo sửa đổi phù hợp những quy định trên với mức độ cân bằng và lộ trình phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp.