Phóng viên SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến phản biện của ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng các vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước không nên làm GS, PGS. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG: Với tư cách là một nhà khoa học, là người đủ tiêu chuẩn để được xét phong học hàm, tôi muốn nói rằng đã tham gia hoạt động lãnh đạo, đặc biệt là tầm Bộ trưởng thì đừng mon men đến vấn đề học hàm. Vì tôi khẳng định Bộ trưởng không bao giờ đủ thời gian để làm đủ tiêu chuẩn của GS, PGS. Tôi khẳng định luôn, chính khách mà làm GS, PGS thì đều là trường hợp có vấn đề cả. Vì giờ giảng, giờ nghiên cứu lấy đâu ra; họ giảng đêm giảng ngày ở đâu, trong nước, nước ngoài, nếu công khai tất cả điều đó ra thì tôi khẳng định sẽ lộ hết. Đó là chưa kể đến việc đi giảng bằng xe gì.
Theo quan điểm của tôi, đã đến lúc luật pháp của ta nên cấm chính khách tham gia giảng dạy ở trường đại học, không được đứng tên chủ nhiệm bất kỳ một đề tài nghiên cứu nào. Chính khách không được phép làm GS, PGS. Còn nếu anh muốn làm GS, PGS thì không nên làm chính khách nữa.
- Đừng nói đó là quyền của họ. Vì khi đã nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước thì anh phải toàn tâm toàn ý, dành thời gian cho trọng trách đó. Nói thật, nếu toàn tâm toàn ý thì họ còn chả đủ thời gian điều hành công việc nữa chứ đừng nói đến việc làm GS, PGS. Người làm khoa học phải chuyên nghiệp. Đã là chính khách chuyên nghiệp rồi thì cũng phải chấp nhận việc đó. Bộ trưởng làm gì có thời gian để viết bài, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vì thế không thể thực chất. Tại sao họ không dành hết thời gian cho công tác điều hành, đóng góp công sức cho đất nước phát triển, điều đó mới đáng ca ngợi.
Vì thế, quan điểm của tôi là pháp luật cần có quy định dứt khoát về vấn đề này. Quy chế phong GS, PGS tới đây cần làm rõ điều này. Phải quy định rõ luôn là các chính khách không được phép tham gia. Đã là thành viên của Chính phủ, đã làm Bộ trưởng thì thôi không làm GS, PGS. Còn nếu sau khi hết làm chính khách, thích thì anh làm GS, PGS sau.
* Từ vụ lùm xùm về xét duyệt GS, PGS năm 2017 vừa rồi, nhiều ý kiến cũng kiến nghị việc phong hàm GS, PGS của chúng ta phải thay đổi. GS, PGS là của trường, chỉ phong cho những người trực tiếp giảng dạy, hàm GS phải có thời hạn chứ không phải là hàm GS trọn đời như hiện nay? Nhưng cũng có ý kiến lo ngại giao việc phong hàm cho các trường thì Việt Nam sẽ “bùng nổ” GS, PGS? Quan điểm của ông ra sao?
- Với các nhà khoa học chuyên nghiệp thì để được phong GS, PGS trọn đời, anh phải liên tục có công trình khoa học, tham gia giảng dạy bao nhiêu tiết/năm, tức là phải có cống hiến liên tục. Chứ không phải phong xong thì để đấy, mãi mãi được giữ học hàm.
Thứ hai, phong GS, PGS không phải để hưởng lương, đặc quyền cho các GS, PGS. Vì khi là GS, PGS thì anh đã có quyền được tham gia vào các đề tài, công trình nghiên cứu, được chủ trì đề tài khoa học. Không thể chấp nhận tình trạng một người cứ kê khai những bài báo khoa học, những hướng dẫn đã được hưởng nhuận bút rồi lại tổng hợp lên để được phong học hàm, được hưởng lương cao mãi mãi. Tiến sĩ là học vị người ta phải học hành để có, nhưng sau đó lại cộng hết những thứ đã có để được phong học hàm, được hưởng lương là không được. Người dân không thể đóng thuế để nuôi mãi những chuyện như thế. Tiền thuế của dân là để trả cho các công trình khoa học, chứ không phải là trả cho các học hàm, danh vị đó. Cũng giống chúng ta chỉ có phụ cấp chức vụ và trả lương cho chuyên viên. Phải lưu ý điều đó. Còn ai sau khi đã được phong học hàm nhưng không có cống hiến, không đủ tiêu chuẩn thì đề nghị phải cắt.
Tôi cũng đề nghị giao việc phong học hàm cho cơ sở, vì các cơ sở phải cạnh tranh tự khẳng định thương hiệu của mình. Khi cơ sở phong cho những người không đủ tiêu chuẩn thì cơ sở sẽ tự hạ thấp giá trị thương hiệu của mình xuống. Còn Nhà nước chỉ thành lập các hội đồng ngành, với những người có chuyên môn sâu nhất tiến hành hậu kiểm việc phong học hàm của hội đồng cơ sở.
* Xin cảm ơn ông!