
Năm 1983 khi tôi về công tác tại Phòng Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội thì ông trưởng phòng, đại tá Đỗ Gia Hựu, có giới thiệu với tôi đôi nét truyền thống của Phòng Văn nghệ. Tôi được biết nhà thơ Chính Hữu đã từng làm trưởng phòng này. Hồi học sinh tôi đã được đọc Đồng chí của ông nên cảm thấy sung sướng khi là cán bộ dưới quyền mặc dù ông không còn là trưởng phòng.

Từ Phòng Văn nghệ ông được điều động làm Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ quân đội rồi lên làm Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Vào những năm cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất thì nhà thơ Chính Hữu phụ trách văn hóa văn nghệ trong quân đội.
Bày binh bố trận cho mặt trận văn hóa văn nghệ trong quân đội chắc chắn có ông là tác giả. Tôi nhớ hồi ấy có phong trào viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Ngay từ ngày ấy việc ghi chép của những người trong cuộc là rất cần thiết. Các quân khu, binh chủng nơi nào cũng thường mở trại để các cây bút trẻ về viết lại những kỷ niệm của mình.
Cả một lớp nhà văn trưởng thành từ phong trào ấy như Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Minh Chuyên, Tô Đức Chiêu, Trần Nhương, Đình Kính… Có thể nói lớp chúng tôi biết ơn phong trào này.
Bây giờ cứ nhìn đội ngũ nhà văn trong quân đội hay vốn từ quân đội hầu như đều được “đào tạo” từ các “học viện” viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Thành công trong việc xây dựng lực lượng văn nghệ này có sự đóng góp đáng kể của nhà thơ Chính Hữu.
Mười năm sau, năm 1993 tôi chuyển ngành về Hội Nhà văn Việt Nam thì được công tác cùng nhà thơ Chính Hữu. Ông là Phó Tổng thư ký kiêm trưởng ban đối ngoại (khóa III). Ông tạo điều kiện cho nhiều nhà văn đi thăm nước ngoài nhưng bản thân ông chả mấy khi đi. Ông giải quyết công việc điềm tĩnh và chắc chắn. Đặc biệt ông không bao giờ lấn sân các phần việc của người khác.
Trước Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần IV, báo chí ồn ào nhằm vào Ban chấp hành hội, nào là “Đi tìm một tổng thư ký”, nào là khui chuyện liên doanh đất Quảng Bá… BCH giao cho nhà thơ Chính Hữu giải quyết. Ông gặp gỡ Báo Thanh niên và Thời đại, các tác giả có đơn từ, ông từ tốn giải quyết, phân tích có tình có lý, giải tỏa được những bức xúc của công luận.
Chính Hữu có tư chất “Tống Giang”, ông là sự cân bằng để không xiêu lệch, ông là vòng tay thân ái để không bè nọ phái kia. Nói như vậy vì vào thời điểm ông là một trong những người lãnh đạo hội rất nhiều các “đại gia” lừng lẫy như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Anh Đức, Xuân Cang, Hữu Mai, Vũ Tú Nam, Ngọc Tú… đều cùng trong Ban chấp hành. Nhà thơ Chính Hữu là người vô cùng thanh sạch.
Tất nhiên ở Hội Nhà văn ngày ấy không dư dật gì nhưng bản tính ông không lợi dụng, phiền hà đến cơ quan. Nhà ở cũng được quân đội cấp và sau này với cương vị của ông có thể có thêm nhưng ông đều từ chối. Khi ông về hưu và qua bao nhiêu năm rất ít khi ông nhờ vả cơ quan từ một chuyến xe, từ một đồng đầu tư sáng tác.
Có thể nói Chính Hữu rất Đồng chí. Một nhà thơ viết ít nhưng thơ ông cũng tinh khiết như cuộc đời ông vậy. Bây giờ ông đã về cõi tiên, thương nhớ ông biết bao - một người đức độ, bản lĩnh và tài hoa đến độ tinh túy.
TRẦN NHƯƠNG
Nhà thơ Chính Hữu tên khai sinh là Trần Đình Đắc, sinh ngày 15-12-1926 đã từ trần hồi 10 giờ sáng 27-11-2007 tại Hà Nội, thọ 82 tuổi. Nhà thơ Chính Hữu tham gia Việt Minh năm 1945. Tháng 12-1946, ông tham gia quân đội tại Trung đoàn Thủ đô. Ông là chính trị viên của tiểu đoàn tại Sư đoàn 308. Năm 1970, ông làm Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Th.V. |