Xoay xở
Từ đầu năm, lượng khách đến sân khấu múa rối nước của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) tụt giảm. Lịch biểu diễn của Đoàn múa rối Rồng Phương Nam ít hơn nên thu nhập của các diễn viên bị giảm sút. Để trụ với nghề, các diễn viên múa rối nước phải làm thêm công việc phụ như dẫn chương trình, làm chú hề tạo hình bong bóng, tham gia gameshow, chương trình truyền hình thực tế…
Hiện Đoàn múa rối Rồng Phương Nam có 6 diễn viên hưởng lương hợp đồng từ nhà hát. Các diễn viên này chỉ nhận từ 2-4 triệu đồng/tháng và thêm thù lao sau mỗi suất diễn. Dịch Covid-19 ập đến, các sân khấu phải ngưng hoạt động, diễn viên múa rối nước càng khốn đốn hơn. Không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày, một số diễn viên trả nhà trọ để về quê sinh sống.
Câu chuyện của diễn viên Phú Cường là một trường hợp như thế. Kể từ khi sân khấu ngừng hoạt động, anh đành trở về quê nhà Tây Ninh. “Khi nhận lệnh ngưng diễn, tôi về quê sống cùng gia đình. Hàng ngày, tôi đi thu mua, sửa chữa đồ điện tử cũ để kiếm thêm thu nhập”, anh Phú Cường nói.
Hoàn cảnh khó khăn nhất trong Đoàn múa rối Rồng Phương Nam có lẽ là diễn viên trẻ Trần Thị Thúy. Sau khi tốt nghiệp lớp Múa rối của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Thúy vào đoàn với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Chưa ấm chỗ ở đoàn thì xảy ra dịch, Thúy phải sống dựa vào người thân. “Chân ướt, chân ráo vào Nam chưa được bao lâu, mỗi ngày em mong dịch bệnh mau qua để được trở lại sân khấu biểu diễn”.
Anh Thái Ngọc Hải, Trưởng Đoàn múa rối Rồng Phương Nam, cho biết: “Nhìn các diễn viên thất nghiệp, tôi cũng đau xót, nhưng không biết làm sao trước tình cảnh khó khăn chung hiện nay”.
Sống bằng cả đam mê
Rối nước tồn tại và phát triển đến hôm nay là từ lòng yêu nghề của các diễn viên. Theo anh Thái Ngọc Hải, Rồng Phương Nam thường xuyên thiếu diễn viên trẻ bởi một phần ở miền Nam không có trường đào tạo nghề này. Các diễn viên sau khi tốt nghiệp từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM đều muốn được đứng trên sân khấu biểu diễn hay đóng phim. Ít ai chịu ngâm mình dưới nước với bộ trang phục chống thấm dày cộm và giấu mặt đằng sau tấm mành che. Để có thế hệ diễn viên trẻ, nhà hát tuyển các bạn ở miền Bắc hay các nghệ sĩ không chuyên. Sau khi vào đoàn, người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau.
Tuyển người đã khó, giữ được người còn khó hơn, bởi bên cạnh thu nhập thấp thì để trở thành một diễn viên rối nước lành nghề phải trải qua lắm khổ cực trui rèn. “Thời gian đầu do ngâm tay quá lâu dưới nước khi tập điều khiển con rối, các cơ tay của tôi mỏi vô cùng. Nhưng sau đó, được các anh, chị đi trước hướng dẫn, tôi quen dần và bắt đầu điều khiển được con rối”, anh Thanh Bình, diễn viên múa rối nước, cho hay.
Nếu như kịch nói, diễn viên thay đổi nét mặt tùy theo cảm xúc của nhân vật thì với nghệ thuật múa rối nước, họ phải tập trung cao độ. Có người vừa điều khiển, vừa phải hát theo khi con rối cử động trên mặt nước cho khớp với câu thoại và âm nhạc hỗ trợ. Là người có thâm niên lâu nhất trong đoàn, anh Thái Ngọc Hải nhớ lại: “Tình cờ quen với nghệ nhân múa rối nước, tôi bị thu hút bởi những khúc gỗ có thần, có sắc. Lúc tôi xin vào đoàn rối để học nghề không nhận được đồng lương nào”. Khi đó, sự lựa chọn của anh Ngọc Hải bị gia đình phản ứng, phần vì kinh tế, phần vì không thấy tương lai với nghề “giật dây”, “làm trò”. Thế nhưng, càng dấn thân với nghề, anh càng yêu nghề hơn bao giờ hết. Từ đó, anh nung nấu ý tưởng đào tạo thật nhiều diễn viên rối nước, giữ cho đời sau vẹn nguyên giá trị văn hóa truyền thống độc đáo này.
Không chỉ anh Thái Ngọc Hải, hầu hết diễn viên múa rối nước không chỉ vì mưu sinh mà còn rất yêu rối nước - loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian có từ ngàn xưa của dân tộc. Bởi chỉ có yêu, họ mới cố gắng xoay xở trước khó khăn trong mùa dịch bệnh, để đếm từng ngày sân khấu lại sáng đèn, thủy đình lại vang lên những tiếng trống thúc giục và những con rối lại tiếp tục chìm nổi cùng con nước trong tiếng vỗ tay reo hò của khán giả.
Trước đây, anh Thái Ngọc Hải, Trưởng đoàn múa rối Rồng Phương Nam, ở cạnh các con rối nhiều hơn ở nhà. Giờ đây nhớ nghề, anh chỉ biết lấy những con rối ra sơn phết, khoác cho chúng chiếc áo mới… chờ ngày được lặn ngụp dưới mặt hồ nước trong xanh. |