Chỉ biết thở dài
Đã hoạt động nghệ thuật, ai chẳng muốn được nổi tiếng, nhưng ước mơ đó quá xa vời đối với các ca sĩ hát phòng trà. Dù chất giọng của họ có hay hơn những ca sĩ ngôi sao thì họ vẫn phải chấp nhận làm người “hát lót” khi biểu diễn chung. Có ca sĩ từng bị chủ phòng trà chửi như tát nước vào mặt chỉ vì cố nán lại sân khấu hát tiếp một bài theo yêu cầu của khán giả, khiến ca sĩ nổi tiếng phải chờ đợi lâu.
Hiện nay, các ca sĩ trẻ vào nghề thường không chọn con đường này. Họ tham gia các cuộc thi hay gameshow truyền hình để có cơ hội tiếp cận khán giả nhiều hơn.
Đi hát từ năm 23 tuổi, để được gắn mác “Hương Giang phòng trà”, ca sĩ Hương Giang trải qua không ít khó khăn. Sau khi đoạt giải ba cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 1997 và giải Ca sĩ hát nhạc cách mạng hay nhất, chị bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Chân ướt chân ráo, không có người đỡ đầu, Hương Giang chuyên hát lót ở các quán bar, phòng trà.
“Lúc mới đi hát, các ca sĩ kỳ cựu đăng ký bài trước rồi đến lượt Hương Giang. Ngồi chờ từ 6 giờ đến 9 giờ tối chưa được lên sân khấu là chuyện bình thường. Phải chấp nhận việc đêm trước, Hương Giang được khán giả yêu cầu bài hát này thì đến đêm sau, có ca sĩ khác chọn bài đó thể hiện trước mình”, Hương Giang kể lại.
Nếu các ca sĩ nổi tiếng có thù lao cao ngất ngưởng thì ca sĩ hát phòng trà nhận tiền công chỉ trên dưới 500.000 đồng/đêm diễn, thậm chí có ca sĩ trẻ chỉ nhận 200.000-300.000 đồng/đêm diễn. Khi nào được ký hợp đồng ở những phòng trà có tiếng thì thù lao mới tăng lên.
Nhớ lại những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề hát sau khi đoạt giải ba Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 2005, ca sĩ Hồng Mơ ngậm ngùi: “Những hôm phòng trà vắng khách, đã thuê trang điểm và làm tóc xong xuôi, nhưng chủ hủy đêm nhạc vì không đủ sở hụi. Hay có khi chuẩn bị ra khỏi nhà thì trời mưa, khách vắng, thế là nhận được điện thoại hủy hát. Những lúc ấy chỉ biết thở dài”.
“Kiếp cầm ca”
Chọn con đường hát ở phòng trà, hầu hết ca sĩ đều thừa nhận họ thuộc tuýp người an phận, chỉ muốn đem tiếng hát phục vụ khán giả yêu nhạc. Với họ, phòng trà là nơi tạo công ăn việc làm ổn định và an toàn nhất. Có sắc vóc cùng giọng hát nội lực, ca sĩ Huy Luân chọn nghề hát ở phòng trà từ khi bắt đầu học thanh nhạc. “Tính Huy Luân không thích đấu đá nên Luân nghĩ hát ở phòng trà là phù hợp nhất”, Huy Luân chia sẻ.
Vốn là cô giáo dạy cấp 2 ở Đồng Nai, vì đam mê ca hát nên ca sĩ Hà Vân thuyết phục gia đình cho lên TPHCM lập nghiệp. Cô kể, thời gian đầu một thân một mình đi hát, gặp không biết bao nhiêu là khó khăn, từ tìm chỗ để hát đến việc làm quen với đồng nghiệp. Lúc nào cũng nghĩ, mình là ca sĩ mới vào nghề nên phải luôn “dĩ hòa vi quý” với mọi người.
Khán giả đến với phòng trà có “gu” thưởng thức âm nhạc riêng. Nhiều người vì quá yêu thích không gian ấm cúng của phòng trà, trân trọng tài năng của ca sĩ mà tìm đến thưởng thức nhạc mỗi đêm. Cô Mỹ Loan (quận 1, TPHCM) cho biết: “Tôi rất yêu quý các ca sĩ phòng trà. Các em làm việc rất nghiêm túc và biết trân trọng những tràng pháo tay, tình cảm của khán giả dành cho mình. Có những đêm, được khán giả yêu cầu hát khàn cả giọng, nhưng các em vẫn vui vẻ, nhiệt tình. Tiếc là tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, đã vậy mùa dịch Covid-19 các phòng trà đóng cửa hết, không biết các ca sĩ phòng trà sống thế nào”.
“Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà…”, những lời ca cất lên từ chiếc loa ven đường trong một chiều mưa càng khiến nhiều người xót xa cho những “kiếp cầm ca” ở các phòng trà. Dịch Covid-19 ào đến như một cơn lốc, các phòng trà tắt đèn, đóng cửa, có ai còn nhớ đến họ - những ca sĩ sống bằng niềm đam mê được cất tiếng hát.
Trước đây, khi thành phố lên đèn, ca sĩ Hương Giang trang điểm thật đẹp, rồi bắt đầu chạy show khắp các phòng trà tại TPHCM. Nhưng hiện nay không được đi hát hàng đêm, chị phải mở một quán nhỏ trên đường Trường Sa, quận 3 để buôn bán kiếm sống. Tất bật bưng từng chén xíu mại, dĩa bánh ướt cho khách, không ít lần chị chạnh lòng khi khách nhận ra và hỏi: “Có phải chị đi hát ở phòng trà WE không?”. |