Hiện ở TPHCM, những chiêu trò biểu diễn gây phản cảm trong đám tang ngày càng xuất hiện nhiều, làm mất đi vẻ trang nghiêm cần có, xa rời những nghi lễ truyền thống văn hóa.
Ngày càng có nhiều chiêu trò phản cảm của giới đồng tính trong các đám tang.
Ám ảnh đám tang
Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ có quy định không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không quá ồn, ảnh hưởng đến người dân trong khu dân cư; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang. Nhưng nhiều người dân miền Nam quan niệm rằng đám tang phải được tổ chức ồn ào, vui vẻ, để người quá cố thanh thản ra đi, không quyến luyến trần thế. Trước đây, ở đám tang người ta chỉ hát những bài hát trữ tình, tạo không khí vui vẻ hơn cho gia quyến, thì ngày nay lại có quá nhiều chiêu trò phản cảm len lỏi vào đám tang. Phổ biến nhất là nhiều đám tang có nhóm nhạc đồng tính tới hát hò nhảy múa, gây phản cảm, mất đi vẻ trang nghiêm của lễ tang, gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Gia đình anh Trần Mai Quang Huy (ngụ đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh) vẫn chưa hết ám ảnh sau lễ tang của một người hàng xóm. Anh Huy cho biết, vì cụ có con cháu định cư ở Anh nên gia đình để gần 1 tuần chờ con cháu về nhìn mặt cụ lần cuối rồi mới đi mai táng. Hàng xóm đều cảm thông với gia đình, mong sao cụ yên nghỉ khi gặp được con cháu từ phương xa về. Vậy nhưng dù rất cảm thông, người dân đã phải bức xúc với nhóm nhạc đồng tính tới làm ồn ào cả khu phố trong suốt 3 ngày liền. “Cả đêm cái lỗ tai lùng bùng toàn tiếng nhạc xập xình, tiếng hát, rồi tiếng vỗ tay, hò hét cổ vũ của mấy vị khách viếng đã nhậu quá chén. Nên ngay tối hôm sau vợ con tôi phải sang nhà bà ngoại ngủ nhờ, chỉ có mình tôi ở lại giữ nhà. Nhưng đến ngày thứ 3 thì chịu không nổi, tôi đóng cửa đi luôn. Ban ngày tôi cũng không dám đưa con về nhà vì sợ những hình ảnh lố bịch này ảnh hưởng đến nhận thức của tụi nhỏ” - anh Huy bức xúc.
Tương tự, giữa đêm nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thanh Tâm (ngụ Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) cũng đã phải bế 2 đứa con đi thuê khách sạn ngủ, chị kể: “Các gia đình xung quanh đóng chặt cửa để hạn chế tiếng ồn từ đám tang nhưng tầm 12 giờ khuya, bỗng nhạc nổi lên, tiếng hát xen tiếng la hét khiến 2 đứa nhỏ giật thót, khóc giữa đêm. Sợ con mất ngủ, sáng hôm sau không đi học được nên vợ chồng tôi vơ vội ít quần áo và sách vở của con rồi đi thuê khách sạn ngủ, hôm sau đưa cháu đi học luôn”.
Ồn ào là thế nhưng khi người dân báo lên chính quyền địa phương, hầu hết đều nhận được lời khuyên nên thông cảm cho tang gia. Mới đây, một clip quay lại cảnh một nhóm “ca sĩ” đồng tính nhảy múa hát hò, biểu diễn xiếc ở một đám tang ở quận 4 (TPHCM) khiến cư dân mạng phản ứng nhiều. Ngoài những tiếng hò hát của nhóm này, âm thanh nhạc sàn được mở to hết cỡ, theo đó là những màn uốn éo múa lửa rồi thoát y ngay trước bàn thờ người quá cố. Khách viếng ở lại nhậu, thi nhau chạy tới “boa” tiền và không quên kiểm tra “xem hàng” thật giả thế nào.
Biến tướng từ văn hóa ngoại lai
Tiến sĩ Nguyễn Minh Mẫn (Phó khoa Khoa học xã hội, ĐH Quốc tế Hồng Bàng - người có nhiều nghiên cứu về văn hóa Nam bộ) cho biết, trước thời Pháp thuộc, ở Nam bộ cũng làm đám tang theo truyền thống như ở Bắc bộ nhưng nhẹ nhàng hơn và có hát những bài hát, khúc ngâm ca ngợi công cha, nghĩa mẹ. Đến thời Pháp thuộc, ở miền Nam, một số gia đình giàu có và một số quan chức làm việc cho Pháp lợi dụng việc tổ chức đám tang để khoe của, khoe con cái và để kén dâu rể, nên thuê kèn Tây, mời gánh hát, diễn ảo thuật, đãi tiệc linh đình, tặng lì xì cho người đến viếng… Rồi các hộ nghèo cũng bắt chước nhưng chỉ có điều kiện mời những người trong xóm tới hát hò để không khí đám tang bớt đau buồn.
Sau năm 1975, ở Nam bộ xuất hiện các đội nhà giàn chuyên tổ chức lễ tang, trong đó có đoàn hát xướng với thể loại nhạc Tây, nhạc trữ tình và bắt đầu xuất hiện giới đồng tính tại các đám tang. Đến khoảng đầu năm 1980, chính quyền đã có quy định cấm các đoàn hát xướng hành nghề vì không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Từ đó các gia đình trí thức, giới nhà giàu đã bỏ việc tổ chức hát hò trong đám tang, mà nghiêng về hình thức tổ chức trang nghiêm. Còn giới bình dân hoặc người lao động tự tổ chức lễ tang cho người thân tại nhà vẫn giữ thói quen thổi kèn Tây, hát nhạc ngoại cho đến ngày nay và đối tượng múa hát phục vụ đám tang hiện nay chủ yếu là giới đồng tính. “Ngoài việc gây ồn ào cho cộng đồng xung quanh, gây phản cảm và không phù hợp với truyền thống của người Việt, thì đáng ngại nhất là những hình ảnh lố bịch này sẽ ăn sâu vào nhận thức của lớp trẻ. Khi trẻ nhỏ thấy việc tổ chức đám tang có hát hò, diễn xiếc, thậm chí là múa lửa, thoát y… trở nên bình thường thì sẽ coi việc tổ chức đám tang trang nghiêm là không thuận, từ đó văn hóa truyền thống càng xa rời” - Tiến sĩ Nguyễn Minh Mẫn nhận định.
Xóa bỏ hoàn toàn những chiêu trò lố bịch trong đám tang hiện nay là điều không dễ, cần có lộ trình dài. Bên cạnh việc tuyên truyền trong các cuộc họp ở tổ dân phố, chính quyền địa phương cần tích cực nhắc nhở. Đối với những gia đình có người mất, khi người nhà lên làm giấy báo tử, chính quyền địa phương cần góp ý kịp thời, khuyến khích họ tổ chức đám tang theo truyền thống của người Việt.
BẢO HÂN