Giống như ở nhiều địa phương khác thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tiểu khu 363 (ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vốn dĩ bình yên nhưng sau khi Chính phủ có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp thì những vườn cây cao su đã thế chỗ rừng tự nhiên và đi kèm theo đó là hàng loạt tranh chấp giữa các hộ dân với doanh nghiệp nằm trong vùng dự án.
Hợp đồng chồng chéo
Năm 2008, sau khi điều chỉnh dự án, Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) được tỉnh Bình Phước giao 345ha. Liền sau đó, Công ty SASCO và ông Trần Tấn Minh (Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung) đã ký 2 hợp đồng (HĐ) liên kết, liên doanh trồng cao su vào tháng 4-2009 trồng 105ha cao su, và tháng 1-2010 trồng 143,2ha cao su.
Có được HĐ liên kết - liên doanh trồng cây cao su, ông Minh đã ký tiếp HĐ trồng cao su với nhiều cá nhân khác, trong đó có ông Trần Đức Lý (SN 1974, ngụ ấp Thạch Màng) vào ngày 10-4-2010 với diện tích 20,83ha tại các khoảnh 6, 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 363.
Ông Lý bỏ toàn bộ chi phí đầu tư trồng, chăm sóc cao su; sau 5 năm được hưởng 50% diện tích vườn cao su đã trồng là 10,42ha (thời hạn 30 năm). Tuy nhiên, ông Lý chỉ giao cho ông Minh 470 triệu đồng để sử dụng làm đường, trồng và chăm sóc cao su trên diện tích đã ký HĐ. Năm 2011, vườn cao su do ông Lý đầu tư bị cháy, không thể khắc phục được. Tháng 3-2012, Công ty SASCO đề nghị thanh lý HĐ nên ông Minh yêu cầu ông Lý ngưng HĐ, do đó ông Lý không tiếp tục trồng lại vườn cao su. Từ số tiền và HĐ ông Lý đã ký với ông Minh lại phát sinh hàng loạt mâu thuẫn và tranh chấp về sau (ông Minh đã mất năm 2017).
Ai trực tiếp trồng cao su?
Cuối năm 2013, Công ty SASCO chuyển sang ký HĐ chăm sóc, quản lý, bảo vệ vườn cây cao su tại dự án với Công ty TNHH MTV Phát Lộc (gọi tắt là Công ty Phát Lộc) và có trách nhiệm thỏa thuận với các hộ liên doanh và thu hồi diện tích xâm canh trái phép.
Thời điểm này, nhân viên của Công ty Phát Lộc là Nguyễn Khánh Tùng thỏa thuận với ông Minh trồng lại vườn cao su đã bị cháy và cải tạo những cây còn sống sót cũng như chăm sóc,... diện tích 18,29ha tại khoảnh 9, 10 thuộc Tiểu khu 363. Sau đó, ông Tùng ký HĐ liên doanh với ông Minh nhưng trong HĐ lại ký lùi thời gian là 2-5-2010 để hợp thức hóa chi phí đầu tư trước đó. Ông Tùng bỏ tiền đầu tư phát dọn và trồng lại cây cao su trên diện tích đất này. Đến tháng 7-2014, Công ty SASCO chính thức thanh lý HĐ với ông Minh. Sau đó, Công ty SASCO đã căn cứ vào HĐ của ông Minh ký với ông Tùng để chi trả số tiền đầu tư trồng và chăm sóc cao su từ năm 2010 là hơn 2,2 tỷ đồng. Riêng HĐ ký kết với ông Lý, ông Minh không thanh toán và trả lại số tiền ông Lý đã đầu tư.
Cho rằng Công ty Phát Lộc và SASCO cấu kết để giả mạo hồ sơ chiếm đoạt tiền bồi thường thanh lý HĐ trồng cao su nên ông Lý làm đơn tố cáo. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Công an huyện Đồng Phú cho thấy, ông Lý chỉ hợp đồng với ông Minh nhưng không trực tiếp trồng cao su mà thực tế chỉ đưa ông Minh 470 triệu đồng để làm đường vào các lô cao su mà ông Minh trồng. Do đó, Công ty SASCO không có nghĩa vụ chi trả tiền chi phí cho ông Lý nên trách nhiệm này thuộc về ông Minh.
Trong khi đó, vào tháng 7- 2010, ông Minh cũng ký HĐ liên doanh trồng cao su với ông Lý với diện tích 10,85ha tại khoảnh 6, Tiểu khu 363. Nhưng cơ quan điều tra xác định trên thực tế ông Biên là người trồng, chăm sóc cao su; ông Lý chỉ HĐ trên giấy tờ. Mặt khác, ông Minh cũng làm giấy xác nhận diện tích trên của ông Biên và tháng 10-2016, ông Minh đã tự viết giấy hủy HĐ với ông Lý trên diện tích 10,85ha.
Tương tự, tại dự án 143ha cũng xảy ra tranh chấp gay gắt giữa ông Lý với các cá nhân khác là anh Trần Đăng Đắc, Chốt trưởng Chốt kiểm bảo vệ rừng Suối Nhung với diện tích 4,9ha; anh Ma Khánh Hoàng (SN 1983, con nuôi ông Minh) với cùng diện tích.
“Phù phép” đất xâm canh
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên Báo SGGP, đầu những năm 2000, ông Lý có sang nhượng một số diện tích đất (vốn là đất lâm nghiệp) của đồng bào dân tộc thiểu số tại các khoảnh 8,9,10,11 Tiểu khu 363 để trồng điều. Đến năm 2008, ông Lý chặt điều trồng cao su với tổng diện tích 35,8 ha. Diện tích này được tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty SASCO làm dự án trồng cao su vào năm 2009.
Ông Lý biết Công ty SASCO quản lý toàn bộ diện tích cao su liên doanh với ông Trần Tấn Minh và các cá nhân khác nên ngày 30-9-2014 làm đơn trả đất và xin được bồi thường hơn 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần đất 35,8ha này của ông Lý nằm trong diện tích 61,3ha bị lấn chiếm trái phép đã có văn bản thu hồi trước đó của UBND tỉnh Bình Phước - chỉ đạo UBND huyện Đồng Phú thu hồi nên Công ty Phát Lộc có văn bản gửi Công ty SASCO không chi trả tiền bồi thường cho ông Lý đúng như Công an huyện Đồng Phú đã kết luận.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó GĐ Công ty Phát Lộc cho hay, ông Lý đưa tiền cho ông Minh và ký kết nhiều HĐ liên doanh trồng cao su nhưng thực tế HĐ chỉ nằm trên giấy với ý đồ “hợp thức hóa” diện tích đất xâm canh thành đất liên doanh trong dự án để nhận bồi thường, không phải thực hiện làm nghĩa vụ ăn chia với ông Minh và “né” việc bị thu hồi đất xâm canh của mình. Đây chính là mấu chốt của vụ việc cũng là chiêu trò “phù phép” đất xâm canh thành đất liên doanh đã bị Công ty SASCO phát hiện kịp thời và từ chối chi trả tiền. Phần đất 35,8ha hiện vẫn do ông Lý sử dụng, quản lý.
Đến nay UBND huyện Đồng Phú vẫn chưa triển khai thu hồi số diện tích đất bị xâm canh theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước? Điều này đã vô tình tạo điều giúp cho ông Lý lập lờ làm đơn thưa kiện nhiều nơi làm mất thời gian xác minh của cơ quan chức năng. |