(SGGPO).- Theo bản tin phát lúc 9h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7h ngày 6-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi – Phú Yên khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 19h ngày 6-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Định – Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng chiều tối và đêm 6-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng yếu đến thời tiết các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ chiều và đêm nay ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
* Ngay từ sáng 6-10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa) gió bắt đầu giật mạnh, đặc biệt tại những vùng ven biển. Người dân và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách để đối phó với bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền.
Đến sáng nay, các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, hoàn thành việc tổ chức neo đậu trú tránh bão tại những vùng kín gió. Tập trung chỉ đạo và huy động các lực lượng thanh niên, bộ đội… giúp dân chèn chống nhà cửa, thu hoạch diện tích lúa lúa còn đang trên đồng.
Cũng trong sáng nay, lãnh đạo các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tiếp tục xuống những vùng xung yếu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở chỉ đạo công tác di dời dân đến nơi an toàn. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, đến 20h ngày 5-10 đã tổ chức di dời được 212 hộ dân ở vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, vùng lòng hồ thủy điện, vùng ngập lũ (Ba Tơ 99 hộ, Sơn Tây 11 hộ, Nghĩa Hành 102 hộ), ngoài ra sẵn sàng di dời 13.600 hộ khác theo phương án PCLB đã lập.
Còn tại tỉnh Phú Yên, tính đến 23h30 ngày 5-10, thị xã Sông Cầu đã di dời được 21 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường tại xã Xuân Hải; các xã, phường: Xuân Hòa, Xuân Thịnh, Xuân Thành, Xuân Đài đã sơ tán toàn bộ người già và trẻ em. Ngay trong sáng nay, tỉnh Phú Yên tiếp tục tổ chức sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm khác và dự kiến sẽ hoàn thành vào 14h chiều cùng ngày.
Các địa phương miền Trung cũng lên phương án đối phó với lũ lớn khi bão đi qua. Dự báo, trong chiều tối 6-10 và những ngày tiếp theo, mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Chính vì vậy, việc dự trữ lương thực, nước uống cho người dân đủ sử dụng trong 3-4 ngày khi xảy ra lũ lớn làm cô lập đang được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng huy động lực lượng cùng các phương tiện khẩn trương gia cố các hồ chứa đang bị xuống cấp, tránh để xảy ra nguy cơ vỡ đập, hồ khi có mưa lớn. Bởi đến nay, hầu hết các hồ chứa, đập thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dung tích nước đạt từ 80-90%, có nơi đạt 100%.
Ngay trong sáng nay Đoàn công tác Trung ương do Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đến thị sát tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 7 ở các địa phương miền Trung, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, nơi tâm bão đi qua.
Đối với tàu thuyền của ngư dân, đến sáng nay đã có 21.172 tàu/ 98.742 người của các địa phương từ Quảng Trị đến Phú Yên đã vào bờ hoặc tìm nơi trú bão an toàn. Ngoài ra, còn có 247 tàu/3.583 người ở khu vực Trường Sa; 5 tàu/72 người của tỉnh Quảng Ngãi đang tránh trú tại quần đảo Hoàng Sa.
>>Miền Trung khẩn cấp ứng phó bão số 7
Tr.Vũ - Nguyễn Hùng