Đại sứ Phạm Quang Vinh |
PV: Là người làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp, với hàng chục năm làm việc ở nước ngoài, tới nay, Đại sứ nhận thấy vị thế của đất nước, con người Việt Nam đang ở vị trí thế nào?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam đã trải qua 4 thập niên đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách thể chế, hội nhập. Riêng về đối ngoại, trong 4 thập niên, chúng ta đã đi từ hội nhập kinh tế đến hội nhập toàn diện, đến Đại hội Đảng lần thứ 13 là chủ trương hội nhập toàn diện, đối ngoại đi tiên phong.
Việt Nam đã bắt kịp những đổi mới để phục vụ phát triển đất nước. Rất nhiều tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia, nhất là quốc gia hàng đầu về kinh tế, đã có mặt tại Việt Nam. GDP của Việt Nam 10 năm qua tăng gấp đôi, từ 200 tỷ USD lên hơn 400 tỷ USD; thương mại hai chiều của Việt Nam với thế giới xấp xỉ 730 tỷ USD, độ mở kinh tế tăng 200%. Đổi mới đã tạo sức bật và sức sáng tạo cho người dân, cho sự phát triển của nền kinh tế.
Về hội nhập quốc tế, bức tranh chung là chúng ta có khuôn khổ quan hệ hợp tác ổn định với tất cả các quốc gia. Với các nước trong khu vực, các nước láng giềng, các nước lớn, chúng ta đều có khuôn khổ cho quan hệ lâu dài, đan xen cùng có lợi. Trong lúc đóng cửa vì đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn giữ được sự bền vững của chuỗi cung ứng, khi mở cửa là có thể tham gia vào hoạt động của chuỗi cung ứng luôn.
Đất nước Việt Nam còn cả chiều sâu lịch sử mấy ngàn năm, tinh thần bất khuất, kiên cường, sự cần cù lao động, cộng với vị thế mới của ngày hôm nay tạo nên một Việt Nam đổi mới, hội nhập, tham gia cộng đồng quốc tế một cách có trách nhiệm.
Trong dịp này, không thể không nhắc tới quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Sự phát triển từ cựu thù tới quan hệ Đối tác toàn diện như ngày nay có thể xem như một minh chứng tiêu biểu nhất cho tư duy và quyết sách về đối ngoại và hội nhập của Việt Nam. Đại sứ có đồng ý với ý kiến này?
Trước hết, cần nhắc tới tư duy đối ngoại của Việt Nam. Tháng 4-2023 là kỷ niệm 10 năm của 2 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế, chuyển từ trọng tâm là hội nhập kinh tế sang hội nhập toàn diện; Nghị quyết Trung ương 8 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Hai nghị quyết cùng cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011 đã nhấn mạnh chính sách đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong những năm đổi mới, với bước tiến cả về tư duy nhận thức, cả về chiến lược và thực tiễn, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, các thể chế khác nhau.
Nhà máy USM Healthcare (Khu Công nghệ cao TPHCM) sản xuất stent mạch vành. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trong bối cảnh đó, từ 1995 đến nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những bước phát triển mạnh mẽ và nhiều điều bất ngờ. Trong chặng đường 3 thập niên, thì 10 năm Đối tác toàn diện là giai đoạn phát triển toàn diện nhất, sâu rộng, nhanh nhất, mang lại hiệu quả và đáp ứng nguyện vọng của cả hai bên.
Việt Nam - Hoa Kỳ có rất nhiều trao đổi cấp cao, tạo sự hiểu biết, làm sâu sắc thêm các nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ là “tôn trọng độc lập, chủ quyền, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đặc biệt là tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. Liên tục hai bên có các chuyến thăm cấp cao, đáng chú ý nhất là chuyến thăm lịch sử khi lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ và gặp người đứng đầu thể chế chính trị Hoa Kỳ. Hai bên đã ra tuyên bố tầm nhìn, vừa định hướng, vừa chỉ đạo quan hệ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Quan hệ hai nước cũng phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, giải quyết hậu quả chiến tranh, du lịch, giao lưu nhân dân… Trong đó, quan hệ kinh tế - thương mại luôn là trụ cột trong quan hệ hai nước. Tôi chỉ lấy ví dụ 3 dấu mốc về kinh tế: Khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, thương mại hai bên chưa đầy nửa tỷ USD, đến khi thiết lập Đối tác toàn diện năm 2013 đã đạt 35 tỷ USD, tức là chưa đầy 20 năm, tăng 70 lần; sau 10 năm đối tác toàn diện là 123 tỷ USD… Không gian và dư địa hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ rất lớn. Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam có Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu vượt ngưỡng 100 tỷ USD, là thị trường lớn nhất và duy nhất đến nay đạt được ngưỡng đó.
Quan hệ hai nước còn vượt khuôn khổ song phương, bao gồm cả hợp tác khu vực và đa phương: Hợp tác thúc đẩy vai trò trung tâm ASEAN, thúc đẩy hòa bình ổn định, hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác quốc tế về an toàn an ninh hàng hải, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông tôn trọng quyền quốc gia ven biển, tiểu vùng Mê Công… đều được gia tăng rất nhiều.
Tình hình quốc tế có nhiều biến chuyển phức tạp 2 năm qua. Việt Nam lại ở vị trí nhạy cảm của cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu, Việt Nam đã phát huy bản sắc ngoại giao Hồ Chí Minh như thế nào, thưa Đại sứ?
Nói đến ngoại giao Việt Nam, ngoại giao Hồ Chí Minh và cập nhật đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ 13 có mấy điểm quan trọng. Thứ nhất, chúng ta nhấn mạnh nguyên tắc độc lập, tự chủ, tiếp tục chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, làm bạn, là đối tác và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, trong đó có các nước lớn, các đối tác khu vực và các nước láng giềng. Thứ hai, những năm gần đây, cạnh tranh nước lớn phức tạp, đi cùng với đó là các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, các cuộc khủng hoảng, tạo nên thách thức về địa chính trị, về kinh tế với khu vực nói chung, trong đó có Việt Nam. Khi thế giới chuyển trọng tâm địa chiến lược từ Tây sang Đông thì châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm cọ xát lợi ích của các nước lớn. Trong bối cảnh đó, ta càng phải nhấn mạnh nguyên tắc độc lập, tự chủ, nhưng đi cùng đó là tăng cường hợp tác, làm bạn tất cả các nước, kể cả các nước lớn có cạnh tranh nhau.
Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Nam Sudan. Ảnh: TƯ LIỆU |
Trong cạnh tranh nước lớn, Việt Nam và ASEAN đều nhấn mạnh không chọn bên. Cá nhân tôi thấy, nguyên tắc của quan hệ giữa Việt Nam với các nước là không chọn bên, không đứng bên này chống bên kia mà chúng ta chơi với tất cả quốc gia trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế… Vì thế, chúng ta hợp tác với tất cả nước lớn dù họ cạnh tranh nhau. Tất cả những điều đó đã tạo vị thế mới cho Việt Nam.
Chúng ta cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương đồng thời với hợp tác khu vực. ASEAN đặc biệt ở chỗ có những chương trình hợp tác quán xuyến lợi ích chung của khu vực, từ hòa bình, an ninh, phát triển, xây dựng cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, sạch, chuyển đổi số. ASEAN lại là tổ chức khu vực duy nhất có kết nối với tất cả đối tác và nước lớn về chính trị, kinh tế, an ninh, giáo dục, cộng đồng mà không tổ chức nào có được… Chúng ta rất coi trọng vai trò của ASEAN lẫn ASEAN++ với các đối tác.
Như vậy, chúng ta không nhìn vào sự cạnh tranh giữa các nước lớn, mà chúng ta xuất phát từ lợi ích chung, lợi ích khu vực, lợi ích quốc gia, dựa trên luật pháp quốc tế để ứng xử cho phù hợp.
Việt Nam là điểm đến bình yên, là địa chỉ đầu tư hấp dẫn những năm qua. Tuy nhiên, kinh tế và bối cảnh chung đang nảy sinh nhiều khó khăn thách thức. Theo Đại sứ, Việt Nam cần làm gì để duy trì vị thế cũng như tiếp tục là một điểm đến cho các nhà đầu tư?
Trong mấy chục năm đổi mới, Việt Nam đã tạo bộ mặt rất mới về sự năng động phát triển kinh tế, đã cải thiện môi trường đầu tư với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. FDI đóng góp lớn vào tổng thể phát triển kinh tế và mở rộng hội nhập của Việt Nam. Song, có mấy điểm mà sắp tới Việt Nam phải rất chú ý và tiếp tục đổi mới.
Thứ nhất, những yêu cầu về phát triển mới của Việt Nam mà Đại hội 13 đề ra là “Khát vọng phát triển 2030 - 2045”, trong đó đưa Việt Nam tới sự thịnh vượng ở mức cao hơn. Muốn vậy, chúng ta phải dựa vào khoa học - công nghệ, chất xám, thúc đẩy phát triển xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi số… Để bước sang nấc thang mới trong phát triển hội nhập, bước vào chuỗi giá trị ở mức cao hơn thì phải phấn đấu trong các lĩnh vực này.
Thứ hai, thế giới đang đan xen cơ hội thách thức, trong đó có nhiều xu hướng Việt Nam phải bắt kịp. Chuyển đổi số phải được coi là động lực và bứt phá lớn cho phát triển kinh tế. Người ta nói rằng, với những cuộc cách mạng công nghệ trước đây, nếu tụt hậu thì 1-2 thập niên vẫn còn bắt kịp, nhưng giờ tụt hậu phải 100 năm mới bắt kịp đà phát triển chung của thế giới. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ ở COP26 về tiến tới phát thải ròng bằng 0, nhưng vài ba năm qua đi, cùng với thích ứng chống biến đổi khí hậu, thế giới đã có một loạt ngành kinh tế mới, được gọi là kinh tế xanh, chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần tranh thủ. Đó là tín dụng xanh, những nguồn vốn xây dựng hạ tầng xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Nếu không điều chỉnh môi trường đầu tư, chính sách thì khó tranh thủ những xu thế mới, những nguồn lực đó.
Thứ ba, cuộc cạnh tranh địa chính trị rất quyết liệt, phức tạp, mang cả cơ hội và thách thức. Tuy cạnh tranh nhưng vẫn vừa phụ thuộc, vừa phân tách, cả về khoa học - công nghệ, về đầu tư, chuyển dịch chuỗi cung ứng… Nếu chần chừ thì chúng ta mất cơ hội, đồng thời không quản trị được rủi ro, bị mắc kẹt. Có 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế cần được tiếp tục là khung chính sách, hạ tầng, nhân lực. Làm sao cùng hài hòa các yếu tố để có đột phá đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới.