Chiến tranh thương mại: Bên nào cũng thiệt

Hậu quả của xung đột thương mại không những gây tổn hại cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. 
Việc Ủy ban Thuế quan Trung Quốc, ngày 16-7, quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với hơn 600 mặt hàng của Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD để đáp trả hành động tương tự của Mỹ đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, đe dọa gây thiệt hại lớn cho thương mại song phương. Hậu quả của xung đột thương mại không những gây tổn hại cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. 
Chiến tranh thương mại: Bên nào cũng thiệt ảnh 1 Thị trường chứng khoán New York chao đảo sau quyết định áp thuế ngày 15-6 của Tổng thống Donald Trump 
Doanh nghiệp Mỹ lên tiếng  Tập đoàn Cargill, công ty tư nhân lớn nhất của Mỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh đối thoại để các doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng sẽ không bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại. Phó Chủ tịch Cargill Devry Boughner Vorwerk nhận định, xung đột thương mại sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm, gây tổn hại đến những đối tượng dễ tổn thương nhất trên thế giới. Tương tự, người phát ngôn tập đoàn Archer Daniels Midland chuyên về kinh doanh nông sản cũng bày tỏ 2 nước nên theo đuổi đối thoại song phương, nhấn mạnh Trung Quốc vẫn “tiếp tục là một thị trường xuất khẩu quan trọng của nông sản Mỹ”.  Một số công ty lớn của Mỹ như Boeing cho biết đang bắt đầu đánh giá những tác động từ các biện pháp thuế của Trung Quốc. Boeing đã thu về khoảng 12,8% trong tổng doanh thu năm 2017 từ Trung Quốc và luôn được xem là một trong những công ty đa quốc gia của Mỹ dễ bị tổn thương nhất trước một cuộc chiến thương mại toàn diện. Người phát ngôn Boeing Charles Bickers cho biết, Boeing sẽ tiếp tục tiếp xúc với lãnh đạo 2 nước để kêu gọi một cuộc đối thoại hiệu quả nhằm giải quyết những khác biệt thương mại, nhấn mạnh một nền công nghiệp hàng không vũ trụ mạnh mẽ và thành công mang lại lợi ích kinh tế cho cả 2 nước.  Trong khi đó, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) cũng cảnh báo những biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể đe dọa nông dân Mỹ và các nhà sản xuất dệt may, gây áp lực tăng chi phí cho chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp này. Chủ tịch AAFA Rick Helfenbein cho rằng Quốc hội cần vào cuộc để chấm dứt “nỗi ám ảnh nguy hiểm này”. Căng thẳng với châu Âu đang lơ lửng  Với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đối đầu với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc và đang thách thức các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), đe dọa các nước thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Canada và Mexico, gây căng thẳng với cả các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hồi đầu tháng 6 Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm do Canada sản xuất. Liên minh châu Âu (EU) và Mexico cũng chịu các mức thuế tương tự. Sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Canada bất ngờ bị đẩy lên cao sau khi Tổng thống Donald Trump gây sức ép mạnh với Canada, yêu cầu quốc gia láng giềng phía Bắc phải dỡ bỏ cơ chế quản lý nguồn cung, đồng thời khẳng định sẽ không chấp nhận một phiên bản NAFTA mới, sẵn sàng rời bỏ phiên bản NAFTA hiện nay để đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do riêng rẽ với Canada và Mexico. Theo giới phân tích, ở sân chơi thương mại quốc tế, các đối tác EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada hay Mexico được đánh giá là tuân thủ luật chơi “thị trường tự do” với Mỹ hơn là Trung Quốc. So về kim ngạch, các bên cũng gần ngang ngửa nhau, tức bên nào cũng sẽ ngấm đòn nếu áp dụng các đòn trả đũa nhau.  Lúc này, chưa cần chiến tranh thương mại diễn ra, các động thái hoặc thậm chí cảnh báo của Tổng thống Donald Trump cũng đủ làm nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu là đồng minh kinh tế của Mỹ giảm mạnh. Khả năng rút vốn ồ ạt là điều hoàn toàn có thể diễn ra trong những ngày tới.

Tin cùng chuyên mục