Iran cũng sẽ có những biện pháp tiếp theo như ngừng thực hiện thỏa thuận nếu trong vòng 60 ngày, các bên tham gia thỏa thuận không có những biện pháp đảm bảo cho lợi ích kinh tế của Iran, cụ thể là việc Iran có thể thực hiện được các thanh toán thương mại với các đối tác và có thể bán được sản phẩm dầu lửa của mình.
Ngay sau tuyên bố của Iran, Mỹ đưa ra thêm một biện pháp trừng phạt mới khi đe dọa trừng phạt các nước mua thép, đồng và sắt của Iran. Đây là nguồn thu chiếm 1/10 tổng thu nhập quốc nội của Iran. Iran đã khó lại càng khó. Mỹ còn có các biện pháp gây sức ép quân sự khác như đưa tàu sân bay tới vùng Vịnh để đe dọa có thể tấn công Iran nếu Iran tấn công các lợi ích của Mỹ và đồng minh ở khu vực. Trước đó, Iran tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz và tấn công các lợi ích của Mỹ và đồng minh ở khu vực nếu Iran không được phép bán dầu lửa như trước đây.
Thực tế, 1 năm qua, Iran vẫn tiếp tục thực hiện cam kết của mình với điều kiện là các bên khác của thỏa thuận tiếp tục thực hiện thỏa thuận và đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran trong việc được dỡ bỏ cấm vận. Liên minh châu Âu đã ký với Iran “cơ chế mục tiêu đặc biệt”, một phương thức thực hiện thanh toán giữa Iran và các nước Liên minh châu Âu nhằm “lách” cấm vận của Mỹ. Mặc dù thỏa thuận được ký tháng 9 năm ngoái, nhưng cho đến nay việc thực hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, gần đây Mỹ còn gia tăng cấm vận, không cho phép 5 nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản) tiếp tục hưởng chế độ miễn áp dụng lệnh cấm mua dầu lửa của Iran.
Như vậy, Iran gần như mất tất cả lợi ích kinh tế nước này được hưởng khi ký thỏa thuận hạt nhân với các nước P5+1. Thực ra, bất cứ nước nào trong hoàn cảnh của Iran cũng đều phải tính đến việc hủy bỏ thực hiện nghĩa vụ của mình khi đối tác không còn tuân theo thỏa thuận. Đó là lý do khi nhận được tin Iran ngừng thực hiện một phần trong việc ký thỏa thuận, các nước chỉ kêu gọi Iran tiếp tục thực hiện thỏa thuận chứ không phê phán Iran. Thay vào đó, dưới hình thức này hay hình thức khác, các nước đều phê phán Mỹ. Ngoại trưởng Nga chỉ trích thẳng tình hình phức tạp vì chính sách “thiếu trách nhiệm” của Mỹ.
Chiến tranh nổ ra sẽ là kịch bản xấu nhất đối với tất cả các bên. Iran có thể gây thiệt hại cho đối phương, nhưng chắc chắn cũng sẽ gặp tổn thất không nhỏ. Lịch sử 40 năm qua cho thấy các bên đều chưa từng có chiến tranh trực tiếp với nhau. Khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp là không cao, nhưng không phải là không thể.
Trong khi đó, gần như chưa thấy ánh sáng nào cuối đường hầm, khó có thể có giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên. Quan điểm của các bên còn quá khác nhau. Mỹ coi thỏa thuận hạt nhân là “thỏa thuận tồi” và không tôn trọng thỏa thuận. Các nước châu Âu không có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran, giữ Iran thực hiện thỏa thuận. Iran không đạt được mục tiêu đề ra khi ký thỏa thuận là được dỡ bỏ cấm vận, nhưng rút khỏi thỏa thuận để tự cô lập mình ngay với cả Liên minh châu Âu sẽ là mất mát không nhỏ đối với Iran, thậm chí có thể đẩy Liên minh châu Âu có biện pháp cấm vận chống Iran. Sau 60 ngày, khả năng tìm ra giải pháp không cao, căng thẳng sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao hơn, nhưng chiến tranh dường như là điều các bên đều sẽ cố gắng tránh.