Hai nhà lãnh đạo đã thông qua thỏa thuận 10 điểm nhằm giải quyết một mối quan tâm lớn của Thổ Nhĩ Kỳ - sự hiện diện của Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) gần biên giới của họ.
Theo thỏa thuận, lực lượng cảnh sát quân sự Nga và lính biên phòng Syria sẽ tiến vào khu vực biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ từ trưa 23-10. Trong 150 giờ tiếp theo, họ sẽ giải giáp các thành viên YPG trong phạm vi 30km tính từ biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria. Từ 6 giờ chiều giờ địa phương ngày 29-10, cảnh sát quân sự Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu tuần tra dọc theo tuyến biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận bỏ ngỏ vai trò của Lực lượng Syria Dân chủ (SDF), tổ chức bao trùm cả YPG.
Giờ đây, Moscow sẽ phải triển khai thêm quân và thiết bị đến Syria như một phần của nhiệm vụ mở rộng. Nhưng với rất ít lực lượng Nga trên mặt đất, họ khó có thể thay thế người Kurd ở Syria tại các khu vực do người Kurd nắm giữ. Điều cốt lõi của thỏa thuận trên là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Một điểm cộng khác cho Tổng thống Putin ở thỏa thuận này là Ankara phải đàm phán trực tiếp với Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Theo CNN, người thua cuộc địa chính trị lớn nhất trong thỏa thuận này là Washington. Sự rút đi nhanh chóng của các lực lượng Mỹ là một món quà cho Tổng thống Nga Putin. Khi mở cuộc tấn công vào dân quân của người Kurd ở miền Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy họ về với Chính phủ Syria. Chính phủ Syria đã nhanh chóng triển khai lực lượng trong vùng này, chiếu theo một thỏa thuận với người Kurd do Nga làm trung gian, giúp duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Như vậy, có thể chỉ trong vài ngày hoặc cùng lắm là vài tuần, chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad sẽ chiếm lại nhiều đất hơn số mà họ đã mất trong cả 8 năm chiến tranh, mà hầu như không tốn một viên đạn nào. Hơn thế nữa, nhờ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đạt được mục tiêu mà không làm mích lòng những phe khác có liên quan đến xung đột ở Syria. Mối bất hòa ngày càng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên khác trong khối NATO, nhất là Mỹ, cũng là lợi thế cho Nga. Vốn đã gặp căng thẳng do việc Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ càng xấu đi do Washington ban hành các biện pháp trừng phạt Ankara.