Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hay còn được gọi là Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đương thời, đã anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Lễ hội bắt đầu sáng 14-2 với 2 phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ diễn ra từ 6 giờ với nhiều nghi thức thiêng liêng theo phong tục lâu đời như: lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương, lễ rước kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân; dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, trình diễn sử thi kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Phần hội với các chương trình nghệ thuật chào mừng của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà Hát Tuồng Việt Nam; các trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, cờ người.
Trong diễn văn khai mạc, các đại biểu và nhân dân đã cùng nhau ôn lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là minh chứng lịch sử khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nhân dân ta. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn; là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc của truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường ngàn đời của nhân dân ta. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan giấc mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.