Đây là một phần của rừng rậm Amazon nằm trên lãnh thổ Ecuador đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển đa dạng nhất trên thế giới. Công viên này trải rộng khoảng 1 triệu ha tại điểm giao nhau của Amazon, dãy Andes và xích đạo.
Chỉ 1ha đất tại Yasuni được cho là chứa nhiều loài động vật hơn toàn bộ châu Âu và nhiều hơn loài cây đang tồn tại ở Bắc Mỹ. Nơi đây tập trung khoảng 2.000 loài cây, 610 loài chim, 204 loài động vật có vú, 150 loài lưỡng cư và hơn 120 loài bò sát; là nơi sinh sống của 200-300 người bản địa thuộc 2 bộ lạc không được tiếp xúc là Tagaeri và Taromnane.
Với quyết định này, Tập đoàn dầu khí Petroecuador thuộc sở hữu nhà nước có một năm để đóng cửa mọi hoạt động sản xuất tại lô dầu khí 43 nằm trong Công viên quốc gia Yasuni, nằm dọc theo phần biên giới phía Đông của Ecuador với Peru. Petroecuador cho biết sẽ thực hiện các hành động cần thiết nhằm tuân thủ quyết định của cử tri, cho dù trước đó Petroecuador khẳng định động thái này sẽ khiến sản lượng dầu thô của Ecuador sụt giảm 12% và ngân sách nhà nước mất đi nguồn thu trị giá 13,8 tỷ USD trong 20 năm tới.
Song song với sự kiện lịch sử này, theo Reuters, người dân Ecuador cũng nhất trí đình chỉ hoạt động khai thác vàng trong khu vực rừng Choco Andino - 1 trong 7 khu dự trữ sinh quyển ở Ecuador và được coi là “lá phổi” của TP Quito.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia quyết định ngừng khai thác dầu để bảo vệ sự sống. Các tổ chức bảo vệ môi trường ca ngợi quyết định này là một chiến thắng lịch sử cho Ecuador và cho cả hành tinh. Giới hoạt động môi trường cho rằng, việc tăng cường bảo tồn khu vực rừng rậm Amazon là “chìa khóa” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cấp thiết hiện nay. Theo CNN, tháng 6 vừa qua là tháng nóng nhất hành tinh được ghi nhận và một số nhà khoa học cảnh báo rừng Amazon đang hướng tới đỉnh điểm bùng phát nguy hiểm vì nạn phá rừng.