Ngày 9-12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”. Đây là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 50 chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 - 12-2022), do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Đoàn chủ tịch chủ trì và điều hành hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đông đảo các tướng lĩnh, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cùng các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nhấn mạnh, cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52”, biểu tượng sức mạnh của không quân Mỹ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Đây là một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đại tướng Lương Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Đại tướng Lương Cường, chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là kết quả của chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai; buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc; là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ vào cuối năm 1967: đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!
Đại tướng Lương Cường và các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, hội thảo đã nhận được 130 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, TP Hà Nội, một số địa phương, cơ quan, đơn vị và các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội.
Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, trong đó nhiều tham luận đã luận giải và khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Trung tướng Trịnh Văn Quyết, sớm nắm bắt được âm mưu của Mỹ sẽ leo thang trở lại đánh phá miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và có nhiều khả năng, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân là lực lượng chủ yếu, tập trung mọi khả năng tiêu diệt máy bay B-52.
Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, sau 12 ngày đêm với 2 đợt chiến đấu, lực lượng phòng không - không quân cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52.
Ba Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng dịch sử tham dự hội thảo: Nguyễn Văn Phiệt, Phạm Tuân và Phạm Phú Thái. Ảnh: VIẾT CHUNG
Hội thảo có sự tham gia của 700 đại biểu, trong đó có hơn 20 đại biểu là nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến dịch phòng không 12 ngày đêm và lập nên chiến công vang dội.
Trình bày tham luận tại hội thảo với tựa đề: “Hành trình tên lửa phòng không vào chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết: "Cuối tháng 10-1972, trong hội nghị rút kinh nghiệm của bộ đội tên lửa được tổ chức tại Sư đoàn Phòng không 361, gồm kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng tên lửa, các trợ lý chủ chốt quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, các kíp chiến đấu thảo luận, tranh luận theo đề dẫn của cơ quan tham mưu quân chủng rất sôi nổi, tâm huyết, có quyết tâm cao. Họ mang cả những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc từ lâu để cùng nhau chia sẻ, giải quyết cách đánh B-52. Để rồi, trong chiến dịch, Bộ đội Tên lửa đã đánh 192 trận, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52 (chiếm 85,3% số máy bay B-52 bị tiêu diệt trong chiến dịch)…”.
Quang cảnh hội thảo tại hội trường trụ sở Bộ Quôc phòng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại hội thảo, các đại biểu đã luận giải, nêu bật nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch phòng không, thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và sức mạnh Việt Nam; phân tích làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
Hội thảo đã một lần nữa khẳng định: chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” đã giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề. Đây là đòn đánh quyết định buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Từ thắng lợi của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” cách đây 50 năm, nhiều bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, xây dựng thế trận, tổ chức lực lượng, về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến dịch phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... được đúc kết có giá trị lịch sử, hiện thực sâu sắc, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.