Hội thảo nhằm khắc sâu, làm rõ thêm truyền thống vẻ vàng của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội. Đồng thời, là dịp tiếp tục nghiên cứu tìm ra những bài học quý báu về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc nói chung và chống địch tập kích đường không nói riêng để xây dựng mỗi địa phương, đơn vị trở thành một khu vực phòng thủ vững chắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng to lớn này là minh chứng sống động khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt và to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng vũ trang Trung ương, các đơn vị, địa phương và Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân thủ đô chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không.
Trung tướng, TS Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: “Cùng với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà nhân dân ta giành được, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như những trang chói lọi nhất, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế. Nhìn lại chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị sâu sắc của chiến thắng này”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã phân tích sâu sắc về những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi, rút ra những bài học kinh nghiệm quý về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không nhân dân.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã phân tích sâu sắc về những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi, rút ra những bài học kinh nghiệm quý về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không nhân dân.
“Trong khó khăn chúng ta đã nảy sinh ra sự sáng tạo và từ đó giành chiến thắng. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam cũng là chiến thắng trí tuệ, bản lĩnh”, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân, khẳng định. Là người chiến đấu trực tiếp trong suốt 12 ngày đêm, Trung tướng Phạm Tuân phân tích, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất là sự sáng suốt của Đảng, của bộ chỉ huy tối cao khi đánh giá đúng tương quan giữa ta và địch; phán đoán trước địch sẽ dùng B52 sẽ đánh vào Hà Nội nên có sự chuẩn bị lực lượng. Cùng với đó, chúng ta đã xây dựng lực lượng, con người với bản lĩnh, ý chí và trí tuệ. Nhân tố cuối cùng là nhờ có sự hợp đồng tác chiến, thế trận chiến tranh nhân dân, sự phối hợp tác chiến quân binh chủng đã tạo nên sức mạnh tổng thể. Chiến thắng 12 ngày đêm đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài chiến công bắn rơi máy bay địch, việc bảo vệ các mục tiêu là then chốt và hết sức quan trọng. Cụ thể, sau chiến tranh, chỉ có 2 vệt bom B52 rơi vào nội thành (một vệt rơi vào Bệnh viện Bạch Mai và một vệt xuống phố Khâm Thiên), còn hàng trăm lần khác, các tốp máy bay không thể bay vào Hà Nội được, giúp thành phố và các cơ quan trung ương gần như còn nguyên vẹn, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Hội thảo một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm về sự chủ động, sáng tạo của quân và dân ta trong bảo vệ giữ vững bầu trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô và đất nước.
Hội thảo một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm về sự chủ động, sáng tạo của quân và dân ta trong bảo vệ giữ vững bầu trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô và đất nước.