Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Khẳng định tình đoàn kết chiến đấu của quân dân 2 nước Việt Nam – Lào
SGGPO
Ngày 19-3, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiến hành Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 và giành thắng lợi vang dội. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội ngụy, phá tan mưu đồ của Mỹ và chính quyền ngụy ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của ta. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trải qua hơn 50 ngày đêm (30-1-1971 đến 23-3-1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đánh cho quân đội ngụy - công cụ nòng cốt của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân), bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh...
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào phát biểu tại hội thảo
Hội thảo “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực” đã nhận được hơn 80 tham luận của các lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt, có các bài của nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 gửi tới tham gia cuộc Hội thảo quan trọng này.
Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây về sự kiện Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, các tham luận đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, tập trung làm rõ các vấn đề như: Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.
Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào mãi mãi là một mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”.