Mạch nguồn sáng tạo
Trong những ngày tháng bom đạn khốc liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ, văn học nghệ thuật đã có mặt cùng các chiến sĩ trên mặt trận. Đó là những văn nghệ sĩ đã trực tiếp ra trận, sáng tác văn học - nghệ thuật để khích lệ tinh thần các chiến sĩ, ghi lại những giờ phút hào hùng của dân tộc.
Theo GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên bản anh hùng ca chiến tranh nhân dân, một thông điệp khải hoàn về chiến thắng của văn hóa Việt Nam.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận định, trong sâu thẳm tâm thức các thế hệ nhà văn thì Điện Biên vẫn luôn là một “món nợ tinh thần”. Nếu tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần có tính thời sự khi khắc họa tính nóng hổi của sự kiện, thì Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng lại phản ánh công cuộc tái thiết Tây Bắc của các chiến sĩ từng làm nên chiến thắng năm xưa. Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai tái hiện một “mắt xích” của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - trận đánh Đồi A1, 1 trong 5 cao điểm cuối cùng.
Mỹ thuật trong kháng chiến chống Pháp là một giai đoạn khá rực rỡ, xuất hiện rất nhiều tác phẩm có giá trị (cả hội họa và điêu khắc) với sự góp mặt của các tên tuổi lẫy lừng như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Nguyễn Thị Kim… rồi tiếp đến là Trần Lưu Hậu, Lưu Nghệ, Đào Đức, Mai Long, Lê Huy Hòa, Lê Lam…
Gần đây là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, cụm tượng đài Kéo pháo Điện Biên của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Khi nói đến trận Điện Biên trong âm nhạc Việt Nam không thể không kể đến các tác giả tiêu biểu như: nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những hành khúc Hành quân xa, hành khúc Trên đồi Him Lam, opera Cô Sao, hành khúc Chiến thắng Điện Biên… Và sau đó, nhiều nhạc sĩ đã khai thác "mỏ" đề tài này như Đặng Đình Hưng với Chiến thắng Tây Bắc, Lê Lan với Chị Mai đi chợ và Sao cô em chưa về, Nguyên Nhung với Tiếng đàn môi và Từ trên đỉnh núi, Doãn Nho với Chiếc khăn rơi…
Trong lĩnh vực sân khấu, nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh như: vở chèo Mối tình Điện Biên của Lưu Quang Thuận, Ánh sao đầu núi của Tào Mạt và Hoài Giao, Thông điệp Điện Biên của Nguyễn Khắc Phục... Đặc biệt, vở kịch Bài ca Điện Biên của Tất Đạt được coi là vở kịch lịch sử hoành tráng nhất với số lượng diễn viên tham gia gần 300 người.
Lĩnh vực điện ảnh không ngừng sáng tạo đã cho ra đời nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu đầy cảm xúc với đề tài Điện Biên như Hoa ban đỏ, Đường lên Điện Biên, Cuộc chiến giữa hổ và voi của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel…
Lan tỏa tinh thần chiến sĩ Điện Biên
Theo NSND Vương Duy Biên, chiến thắng Điện Biên Phủ đã là nguồn cảm hứng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao ở các lĩnh vực điện ảnh, văn thơ, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc… Song, theo NSND Vương Duy Biên, vẫn cần có những tác phẩm lớn, xứng tầm với những nhân vật lịch sử có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và đặc biệt gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.
Chung nhận định, GS-TS Lê Hồng Lý bày tỏ mong muốn các văn nghệ sĩ luôn tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ và phải làm sao để từ sự tự hào biến thành phương châm hành động, để có thêm những chiến thắng mới.
Đầu tư tác phẩm về Điện Biên Phủ là đầu tư cho một biểu tượng anh hùng cách mạng Việt Nam, lan tỏa cho hôm nay và mai sau, trong nước và toàn thế giới. PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chỉ rõ, nếu chỉ đầu tư mà không lan tỏa, giống như những bộ phim làm ra chỉ chiếu một vài buổi nhân dịp kỷ niệm ngày lễ, hoặc một vài buổi chiếu có bán vé do không có chi phí quảng cáo hợp lý, phim quá ít khách rồi cất vào kho, là vô cùng lãng phí. Vì vậy, không chỉ cần tác phẩm lớn mà còn phải gìn giữ, lan tỏa để các thế hệ trẻ hiểu và mãi tự hào.